Qua phiên xử vụ tuồn thuốc chữa bệnh tâm thần bán ra ngoài ở Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa vào ngày 27-11, dư luận không khỏi ngỡ ngàng bởi có đến 47 người liên quan nhưng chỉ có 3 bác sĩ (BS) và 2 điều dưỡng bị truy tố. Mức án cũng khá nhẹ, cao nhất là 15 tháng tù.

Mức án đã tuyên nhưng lý lẽ mà các bị cáo cầm đầu đưa ra tại tòa dường như không cho thấy họ nhận thức đây là điều sai trái. Một trưởng khoa cho rằng tiền lương của nhân viên thấp nên lấy thuốc chữa bệnh bán để… tăng thu nhập. Một trưởng khoa khác lý luận lấy thuốc bán thì không ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh nên "cảm thấy đau lòng" và "không mất đạo đức đến vậy". Những lời tự biện hộ này quả không thể chấp nhận được, bởi nó đã vượt qua ranh giới pháp luật, bước qua nỗi khổ cả về thể xác và tinh thần của bệnh nhân và đánh mất sự tôn nghiêm vốn có của nghề y.

Thời điểm này, 1 BS bị cáo buộc hiếp dâm, bắt giữ người trái pháp luật, phải ra tòa. Còn trước đó là các vụ án nâng khống giá thuốc, thiết bị y tế, trục lợi bệnh nhân...

Nghề y cao quý, nhưng các y, BS cũng là con người bình thường và mang đầy đủ những tình cảm hỉ nộ ái ố của con người. Họ vẫn bị tác động của cuộc sống vật chất và cần sự điều chỉnh từ cơ chế quản lý, sự tương tác với bệnh nhân. Bởi vậy, trong bức tranh tưởng chừng bị nhuốm màu của ngành này, chúng ta không khó để thấy những nhân cách cao quý, những sự hy sinh thầm lặng đang diễn ra từng giờ từng phút trong các bệnh viện, bên những giường bệnh và trong cả những đôi mắt trông chờ từ người thân của những vị BS.

Một đất nước còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã có một hệ thống y tế khá phát triển và ngày càng nhiều người dân ở các quốc gia tiên tiến xem đây là nơi chữa bệnh lý tưởng. Khi cả thế giới đang chao đảo vì Covid-19, Việt Nam đã trở thành một trong những kiểu mẫu điển hình cho sự thành công ngăn chặn dịch bệnh. Tất nhiên, công đầu là của những vị BS đáng kính, của hệ thống y tế tập trung được sức mạnh toàn diện. Trong lúc nguy nan nhất, các BS không ngần ngại có mặt ở những điểm nóng và đã có người mắc bệnh. Họ kiệt quệ vì mệt mỏi, lao lực vì làm việc quá sức nhưng vẫn bền bỉ đương đầu cùng dịch bệnh và đã chiến thắng.