TTO - TP.HCM đã đầu tư khá lớn trong ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành giao thông. Tới đây việc xử phạt nguội thông qua hình ảnh vi phạm giao thông dựa vào công nghệ là chính.
Biển báo tuyến đường có giám sát, xử phạt bằng camera trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
Các cơ quan chức năng tại TP.HCM sẽ sử dụng gần 820 camera giám sát giao thông và dự kiến được đầu tư thêm để làm cơ sở xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.
Công nghệ thay con người
Theo Sở Giao thông vận tải, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP đã kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với gần 820 camera giám sát giao thông thông qua hệ thống màn hình ghi nhận tình hình giao thông trên đường.
Ngoài việc giám sát và điều hành giao thông, trung tâm còn là nơi thu thập dữ liệu để xử phạt qua hình ảnh các hành vi vi phạm giao thông.
Đánh giá về hiệu quả khi áp dụng công nghệ tại buổi tổng kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2018 - 2020 mới đây, ông Trần Quang Lâm, giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hiện ở TP.HCM đã có 36km2 tại trung tâm thành phố được điều hành giao thông tự động thông qua trung tâm thông minh.
"Mặc dù xe cộ tăng nhưng giao thông ở khu vực trung tâm TP rất ổn định. Chính vì việc ứng dụng công nghệ vào điều hành giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh niên tham gia điều tiết giao thông không còn mất nhiều sức như trước đây nữa. Nếu người dân để ý, hiện nay cảnh sát giao thông rất ít đứng để điều tiết chốt giao thông ở khu vực trung tâm TP", ông Lâm đánh giá.
Còn thượng tá Huỳnh Trung Phong, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, cho biết sắp tới phòng sẽ hoàn thiện ứng dụng khoa học công nghệ vào xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có việc phạt nguội.
Ông Phong cho hay theo thống kê, năm 2020 tỉ lệ phạt nguội chiếm 36% và đặt mục tiêu tỉ lệ này tăng lên 80 - 90% vào năm 2022.
"Như vậy thời gian tới tất cả vi phạm về giao thông sẽ đều được xử lý thông qua các thiết bị công nghệ. Đây là giải pháp mang tính khoa học, hạn chế việc tranh luận giữa cảnh sát giao thông và người vi phạm trên đường", ông Phong nói.
Đại úy Trương Quốc Thành, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP, xử phạt chủ xe vi phạm đến đóng tiền phạt ngu ội - Ảnh: TỰ TRUNG
Giảm biên chế, hạn chế "cưa đôi" hay "xin bỏ qua"
Ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM - cho biết chủ trương của TP tăng cường xử phạt vi phạm thông qua hình ảnh là phù hợp với thời đại phát triển công nghệ như hiện nay.
Cái lợi của việc này trước hết là giảm được sức người, cụ thể là lực lượng cảnh sát giao thông hạn chế phải chạy ra đường làm nhiệm vụ, qua đó có thể tiến tới giảm được biên chế. Việc phạt nguội cũng sẽ khách quan hơn, hạn chế tiêu cực xảy ra, đồng thời ý thức chấp hành quy định về giao thông của người dân sẽ tốt hơn bởi đi đâu cũng phải chú ý vì có camera giám sát.
Cùng quan điểm, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM - cho rằng việc phạt nguội sẽ hạn chế được tình trạng tiêu cực, thương lượng kiểu "cưa đôi" hoặc "xin bỏ qua".
"Có camera, người chạy xe đi đâu cũng phải lo mà chấp hành quy định bởi chỉ cần vi phạm là bị ghi nhận lại và phạt liền. Tôi nghĩ nếu TP làm tốt vấn đề này, việc vi phạm giao thông sẽ giảm đi trông thấy, qua đó hạn chế được tai nạn giao thông", ông Quản nói.
Tuy nhiên, ông Quản cũng góp ý rằng cơ quan chức năng cần lưu ý: cơ quan nhà nước cần phải quy định rõ thời gian gửi thông báo và chấp hành đóng phạt của người vi phạm giao thông.
"Như trong thời hạn từ 3 tới 5 ngày người vi phạm phải chấp hành đóng phạt đầy đủ. Phải nêu thời hạn như thế mới có thể làm cho ý thức chấp hành của người tham gia giao thông tốt hơn. Có trường hợp cả 5 tháng người vi phạm mới nhận thông báo, quá chậm, người ta vi phạm gì, ở đâu cũng quên rồi", ông Quản nói.
Về góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Đại Vinh - giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh (TP.HCM) - cho rằng phạt nguội sẽ xóa đi tâm lý tài xế ra đường canh cảnh sát giao thông để chạy, vì đi đâu cũng lo xe bị camera ghi lại vi phạm.
Về lâu dài, ông Vinh cho biết cần xây dựng các hệ thống thông tin liên thông giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhau. Chẳng hạn một số xe khi tới đăng kiểm mới được thông báo xe bị vi phạm, chưa đóng phạt. Việc thông tin truyền đến người vi phạm như thế rất chậm.
Do đó, cần có một cổng thông tin để người vi phạm có thể kiểm tra, trích lục thông tin, đóng tiền nộp phạt thông qua mạng, tránh chuyện phải lòng vòng đóng tiền...
Sớm hoàn thành Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Tại buổi tổng kết phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2018 - 2020 tổ chức tuần qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết việc đầu tư hạ tầng giao thông TP.HCM là một trong những đòi hỏi bức bách hiện nay. Ông Phong nói sắp tới các sở ban ngành ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong quản lý điều hành, giám sát và xử lý vi phạm. Đặc biệt sớm hoàn thành dự án trung tâm điều hành giao thông thông minh giai đoạn 2 vào năm 2025. |
Phạt nguội với xe không chính chủ như thế nào? Hiện các đơn vị ở TP.HCM đang tăng cường xử phạt nguội các hành vi vi phạm giao thông. Vậy những trường hợp xe không chính chủ vi phạm thì xử lý ra sao? Theo một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, khi trích xuất hình ảnh các xe vi phạm (bao gồm: địa điểm hoặc tuyến đường, thời điểm, lỗi vi phạm và biển số xe), cảnh sát giao thông sẽ in thông báo vi phạm gửi công an phường, xã, thị trấn 24 quận, huyện tại TP.HCM và các tỉnh thành khác. Công an địa phương sẽ chuyển thông báo vi phạm đến chủ xe (theo giấy đăng ký) và mời chủ xe đến trụ sở Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (số 52-54 Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang, quận 1) để giải quyết vụ việc vi phạm. Đối với các trường hợp xe không chính chủ thì chủ xe phải liên hệ với người thuê, người mượn hoặc người mua... để chịu trách nhiệm nộp phạt theo đúng thông báo. Nộp phạt xong, dữ liệu vi phạm sẽ được xóa. Thông báo vi phạm sẽ gửi về công an địa phương 3 lần, nếu chủ xe không đến cơ quan chức năng để làm việc thì danh sách xe vi phạm sẽ gửi cho Cục Đăng kiểm và có thể không thực hiện đăng kiểm với xe vi phạm chưa nộp phạt. THU DUNG |
Phạt nguội qua nhiều kênh Nghị định 100 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) cho phép sử dụng hình ảnh người dân cung cấp để làm căn cứ xác minh việc phạt nguội. Quy định trên cho phép người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm. |
Đà Nẵng: Phạt nguội từ năm 2016 Tại Đà Nẵng, từ ngày 1-11-2016, cùng với việc phạt nóng vi phạm giao thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, CSGT Đà Nẵng bắt đầu triển khai phạt nguội qua camera giám sát. Việc triển khai phạt nguội đã đạt kết quả rất cao và đến nay rất ít thấy bóng dáng CSGT xử phạt trên đường. Thượng tá Lê Văn Lực - phó trưởng Phòng CSGT Công an Đà Nẵng - cho biết các hành vi vi phạm giao thông trên tuyến có camera như trước đây thường hay diễn ra như vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy quá tốc độ... đã giảm rõ rệt, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Ý thức người tham gia giao thông cũng có chuyển biến tích cực... CSGT cũng có trang web phục vụ người dân tra cứu thông tin vi phạm giao thông. Theo một cán bộ CSGT, với việc đưa vào hoạt động camera giám sát giao thông đã góp phần giảm bớt áp lực làm nhiệm vụ trực tiếp ngoài đường cho các cán bộ, chiến sĩ. ĐOÀN CƯỜNG
Hà Nội: Gần 16.000 tài xế bị phạt nguội trong một năm Theo thông tin từ Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, từ tháng 11-2019 đến nay, gần 16.000 tài xế ở Hà Nội bị phạt nguội. Đại diện đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết với các trường hợp tài xế vi phạm cố tình không đến làm việc khi nhận được giấy mời nộp phạt sẽ được thông báo tới Cục Đăng kiểm Việt Nam để phối hợp thông báo cho chủ xe, người lái xe đến nộp phạt. Đối với trường hợp tài xế hết hạn đăng kiểm bị phát hiện vi phạm, trung tâm đăng kiểm chỉ cấp đăng kiểm tạm trong vòng 15 ngày để chủ xe hoàn tất các thủ tục nộp phạt. Hiện Hà Nội có hơn 200 camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông lắp đặt trên các đường, nút giao trung tâm. DANH TRỌNG
Các nước đã phạt nguội từ lâu Tại nhiều nước phát triển như Úc, Mỹ, Đức hay Hàn Quốc..., hầu như tất cả tuyến đường đều có gắn hệ thống camera theo dõi giao thông. Hệ thống này ghi nhận lỗi vi phạm để sau đó chuyển biên bản vi phạm về địa chỉ người lái xe phạm lỗi. Những năm qua Thái Lan cũng triển khai hệ thống máy quay có độ phân giải cao lắp đặt ở các điểm đèn giao thông tại Bangkok để "phạt nguội" hành vi vi phạm giao thông. Những tài xế bị ghi hình vi phạm sẽ nhận vé phạt gửi về tận địa chỉ theo thông tin đăng ký xe. Những người không thanh toán tiền phạt sẽ không được đăng kiểm xe. TRẦN PHƯƠNG |