LDO - Đã thành thông lệ, dịp cuối năm là thời điểm và cơ hội để hàng cấm, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo các địa phương luôn xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, cần sâu sát, không có “vùng cấm” trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021.
Không có “vùng cấm”
Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tính đến ngày 15.11.2020 đã bắt giữ, xử lý 201.484 vụ vi phạm về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 20.065 tỉ đồng; khởi tố 1.766 vụ việc với 2.254 đối tượng.
Mặc dù, theo số liệu thống kê, tình hình vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại có giảm so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên tính chất vụ việc lại có chiều hướng phức tạp và nguy hiểm hơn. Thậm chí, lực lượng chức năng còn phát hiện một số xe viễn thông vận chuyển hàng hóa vi phạm, nhưng theo luật thì quy định xử lý lỗi “vô ý” nên gây khó cho lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm...
Trong thời gian tới, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô, tính chất và phạm vi.
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai kế hoạch về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, Ban chỉ đạo 389 các tỉnh/thành phố cần tập trung kiểm soát các nhóm mặt hàng như: Ma túy, pháo, hàng tiêu dùng dịp tết... để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Luôn xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có “vùng cấm” trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2021.
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ các tuyến biên giới nhằm làm tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán trong nội thành nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa từ biên giới...
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hàng giả, hàng nhái rất tinh vi
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - cho biết, kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: Đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Thực tế, một số hàng giả, hàng nhái các thương hiệu được bày bán trên thị trường hết sức tinh vi mà người tiêu dùng khó có thể phân biệt được. Chị Trần Thị Ánh (trú tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cho hay, chị nhìn cũng không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả vì giờ hàng giả được làm rất tinh vi.
Trong khi đó, một số chủ hàng tạp hóa lại cho rằng, họ nhìn sẽ biết thật giả. Theo họ, hàng nhái lại của các thương hiệu nổi tiếng chỉ “lừa” được người mua chứ những người lấy hàng chuyên nghiệp thì rất khó để qua mặt. Với giá thành rẻ, các mặt hàng này vẫn được lòng người tiêu dùng hơn nên một số hàng tạp hóa vẫn chấp nhận lấy hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng về bán.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương - cho rằng, hiện nay, người tiêu dùng vẫn có sự thỏa hiệp với hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Thực tế, người dân, dù biết đó là hàng giả, nhưng vẫn mua vì giá rất rẻ.
Theo ông Linh, phía Tổng cục đã công khai hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại 20 tỉnh, thành phố. Lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai nhiều hoạt động đấu tranh, phòng chống vi phạm, nhưng nhiều địa bàn vẫn tái diễn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu...