PNO - “Mỗi lần máy móc bên đó vận hành, bên này chúng tôi nghe như tiếng sét đánh, tường nhà rung chuyển như bị địa chấn” - bà H. ở khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM diễn tả cảnh người dân ở đây phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn nhiều năm qua.
Hết ù tai, nứt nhà lại thêm nước bẩn
Bà H. vừa rót ly nước thì một loạt tiếng động chát chúa vang lên khiến nước trong ly bắn ra ngoài. Bà H. ngao ngán nói: “Vậy đó, có ngày bị mấy chục bận như thế này khiến chúng tôi muốn bỏ nhà đi nơi khác. Mỗi khi nghe ầm một tiếng, tôi cảm nhận được tường nhà của mình rung theo. Nó giống như một trận động đất. Người thân của tôi đến chơi bảo đây là… vùng địa chấn”.
Theo quan sát của chúng tôi, tiếng động lớn phát ra từ một khu đất rộng gần nhà bà H. Nơi này đang chứa hàng trăm thiết bị máy móc, thiết bị, có biển hiệu là An Lim.
Người dân địa phương cho biết, cơ sở gây ồn nói trên hoạt động ở khu dân cư này khoảng 3 năm nay. Mỗi khi vận hành máy móc, cơ sở này lại phát ra tiếng ồn đinh tai, nhức óc. “Không chỉ ban ngày, nhiều hôm, cơ sở này hoạt động cả ban đêm khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn” - một người dân sống gần nhà bà H. phản ánh thêm.
Cơ sở An Lim bị phản ánh gây tiếng ồn và ô nhiễm cho khu dân cư |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở trên có tên An Lim, chuyên buôn bán máy xây dựng, gồm máy rải bê tông, các loại xe cơ giới, máy quét đường… Do cơ sở này thường mua máy móc cũ về sửa chữa, vận hành nên đã tạo ra tiếng động rất lớn, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân trong khu dân cư. Hiện, trong khu đất rộng lớn của cơ sở An Lim có hàng trăm loại máy móc, nhiều nhất là xe cẩu.
Trước tình trạng cơ sở An Lim thường xuyên vận hành máy móc, đặc biệt là xe cần cẩu, gây tiếng động lớn vượt quá khả năng chịu đựng, người dân đã nhiều lần phản ánh với cơ quan chức năng, yêu cầu xử lý. Thế nhưng, không hiểu sao đến nay, cơ sở này vẫn tồn tại và gây ô nhiễm tiếng ồn ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Chưa hết, nước bẩn từ trong cơ sở cũng thường xuyên tràn ra đường, trong nước có cả dầu nhớt. Có khi, nước bẩn từ cơ sở này tràn ra đường, chảy vào nhà dân” - ông T., nhà gần cơ sở An Lim, phản ánh.
Quan sát từ trên cao, chúng tôi nhận thấy, cơ sở An Lim nằm lọt thỏm giữa khu dân cư ở cuối đường An Phú Đông 27 và xung quanh không có cơ sở hay nhà máy nào gây tiếng động lớn. Hiện, căn nhà kế bên cơ sở này xuất hiện rất nhiều vết nứt, có vết nứt kéo dài khoảng 3m. Cạnh đó, một nhà dân khác cũng đang bị nứt tường, vết nứt ngày một dài thêm khiến người dân lo rằng, công trình hoạt động lâu dài sẽ gây sập nhà.
Bà N. - chủ căn nhà bị nứt tường - cho hay, sau khi cơ sở An Lim đi vào hoạt động, nhiều nhà dân ở đây bị nứt tường; ban đầu chỉ là những vết nứt nhỏ và ngắn, nhưng càng ngày càng to và dài thêm. Có nhiều nhà dân mới xây vài năm cũng xuất hiện nhiều vết nứt dài. Người dân cho rằng, nhiều khả năng nhà bị nứt là do hoạt động của cơ sở An Lim gây ra.
Chưa "bắt" được tiếng ồn nên chưa xử phạt
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Hải Lâm - Phó chủ tịch UBND phường An Phú Đông - cho biết, Công ty TNHH An Lim được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2017. Cơ sở này hoạt động sửa chữa và cho thuê máy móc, thiết bị. Do cơ sở mua các thiết bị, máy móc cũ về sửa chữa lại nên trong quá trình vận hành, đã gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
“Trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân có phản ánh về cơ sở An Lim. Phường cũng đã kiểm tra về đăng ký kinh doanh, phòng cháy, chữa cháy và những vấn đề liên quan đến xây dựng nhưng cơ sở này không vi phạm” - ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, bãi đất của Công ty An Lim rộng đến 3.400m2, trong đó có một phần sân đổ bê tông và phần còn lại lót đá cho nước tự thấm. Tuy nhiên, khi mưa lớn, nước thấm không hết nên tràn ra đường. Hiện cơ sở An Lim chưa có hệ thống tự thu gom nước thải cho toàn bộ khu đất nên nước tràn ra ngoài, gây bức xúc cho người dân.
“Trước đây, khi làm hệ thống thoát nước cho khu vực này, người dân có đề nghị phía An Lim đóng góp kinh phí thực hiện. Nhưng có lẽ lúc đó, thấy chưa cần thiết nên công ty không đóng góp. Khi xảy ra tình trạng nước tràn ra ngoài ảnh hưởng đến người dân, Công ty An Lim có liên hệ xin đấu nối hệ thống thu gom nước vào hệ thống thoát nước chung nhưng người dân không đồng ý vì trước đây, khi họ vận động, công ty không chịu làm. Hiện tại, Công ty An Lim đã làm việc với các hộ dân, có hỗ trợ và sắp tới sẽ xin đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung. UBND phường cũng đã hướng dẫn công ty thực hiện nội dung này” - ông Lâm thông tin thêm.
Khi chúng tôi đặt vấn đề “xử lý ra sao với tiếng ồn phát ra trong quá trình hoạt động của cơ sở An Lim”, ông Lâm cho biết, cơ quan chức năng chưa tiến hành đo tiếng ồn ở khu vực này.
“Trước đây, UBND phường đã có biên bản làm việc, nhắc nhở doanh nghiệp, đề nghị giảm thiểu tiếng ồn để hạn chế ảnh hưởng cho người dân xung quanh. Nếu cần thiết, trong thời gian tới, UBND phường sẽ gửi văn bản đến Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.12 để có hướng phối hợp kiểm tra liên quan đến vi phạm về tiếng ồn” - ông Lâm cho hay.
Ông Lâm cho rằng, để xử phạt vi phạm tiếng ồn đối với cơ sở An Lim không dễ. “Cơ sở này thỉnh thoảng mới hoạt động. Khi nghe người dân phản ánh, UBND phường xuống kiểm tra thì người ta dừng hoạt động nên không đo được tiếng ồn. Đối với cơ sở này, chủ yếu là vận động, tuyên truyền để giảm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”.
Sẽ kiểm tra tình trạng nứt nhà Về việc người dân nghi ngờ hoạt động của Công ty An Lim gây nứt nhà, ông Nguyễn Hải Lâm cho biết, chưa nhận được phản ánh. UBND phường ghi nhận phản ánh này từ Báo Phụ Nữ TPHCM và sẽ kiểm tra, có hướng xử lý. |
Sơn Vinh