Một số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng khiến hoạt động liên kết, kích cầu giữa các địa phương cùng nhiều sản phẩm du lịch của doanh nghiệp đang chuẩn bị bung ra chào đón mùa cao điểm cuối cùng trong năm... bất ngờ “đứng hình”.
Nha Trang vắng vẻ du khách, ngày 5.12  /// ẢNH: BÁ DUY
Nha Trang vắng vẻ du khách, ngày 5.12
ẢNH: BÁ DUY
 
Hàng loạt hoạt động liên kết, kích cầu du lịch giữa các địa phương cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn của doanh nghiệp đang chuẩn bị bung ra chào đón mùa cao điểm cuối cùng trong năm... bất ngờ “đứng hình” vì sự xuất hiện của một số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Chưa kịp “cựa mình” lại lo ngủ đông

Lấy trớn từ đợt du lịch 2.9, ngành du lịch cả nước đang khởi động lại sau 2 cú sốc từ đợt dịch thứ 1 và 2. Các địa phương bắt đầu đẩy mạnh nhiều chương trình kích cầu, giảm giá triệt để tại điểm đến, liên kết hạ giá tour để thu hút khách nội địa. Hình ảnh những đoàn khách vui chơi Tây Bắc, khám phá miền Tây, những gia đình quây quần bên bãi biển Phú Quốc... liên tục được các doanh nghiệp (DN) du lịch chia sẻ như một lời động viên, khuyến khích, trấn an du khách rằng mọi chuyện đã ổn, du lịch đã dần trở lại.
 
Sau ngày 15.12, TP.HCM công bố tình hình dịch bệnh kiểm soát đến đâu mới đánh giá được tương lai sắp tới của ngành du lịch. Nếu TP không phát hiện thêm ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, tâm lý khách hàng ổn định trở lại thì khả năng tour sẽ bắt đầu chạy
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist
Thế nhưng, gần một tuần sau khi TP.HCM phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên ra cộng đồng sau 88 ngày không ghi nhận, mọi hoạt động vui chơi giải trí tại TP.HCM đã chùng xuống, du lịch “đứng hình” ngay trước mùa lễ Giáng sinh, Tết dương lịch. Các công ty du lịch cũng không ngoại lệ.
Giữa tháng 11, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty CP truyền thông Du lịch Việt, hào hứng mời PV Thanh Niên tới dự lễ ký kết hợp tác giữa Du lịch Việt và Viện Nghiên cứu và ứng dụng sức khỏe Bách Niên Trường Thọ, mở dòng tour chuyên đề sức khỏe. Du lịch Việt kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi mới, dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu du lịch kết hợp chữa bệnh, nâng cao sức khỏe của người dân thời kỳ hậu Covid-19. Thế nhưng chưa đầy 1 tháng, việc xuất hiện một số ca lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng, lại khởi nguồn từ TP.HCM, khiến mọi hoạt động du lịch phải tạm ngưng. Sản phẩm du lịch “mới coóng” của Du lịch Việt đành tạm thời nhường chỗ cho sản phẩm khẩu trang y tế của DN này.
Không chuyển đổi sang ngành nghề khác, song Công ty TST Tourist cũng đang trong tình trạng “đứng hình” khi chưa biết tính toán ra sao với bài toán nhận tour - đặt dịch vụ. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, cho biết du lịch đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cao điểm nhưng sức mua đang có chiều hướng khựng lại. Khách hàng lưỡng lự, DN cũng vào thế khó vì nếu bây giờ “xuống cọc” hết thì rủi ro cao có thể “tắc” tại hàng không và khách sạn như 2 đợt dịch trước, xử lý rất phiền phức.
“Sau ngày 15.12, TP.HCM công bố tình hình dịch bệnh kiểm soát đến đâu mới đánh giá được tương lai sắp tới của ngành du lịch. Nếu TP không phát hiện thêm ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, tâm lý khách hàng ổn định trở lại thì khả năng tour sẽ bắt đầu chạy”, ông Mẫn cho hay.
 

Doanh nghiệp bị bào kiệt sức

Không hoang mang như 2 đợt dịch vừa qua, đa số các DN du lịch “đón” tin các ca nhiễm Covid-19 mới xuất hiện trong cộng đồng lần này bằng những tiếng thở dài. Trả lời điện thoại của PV, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch VietCircle, chán nản: “Giờ còn hỏi du lịch làm gì nữa. Năm nay coi như bỏ”.
Nha Trang vắng vẻ du khách, ảnh chụp ngày 5.12.2020 ẢNH: BÁ DUY

Nha Trang vắng vẻ du khách, ảnh chụp ngày 5.12.2020

ẢNH: BÁ DUY

Hồi tháng 3, khi Việt Nam đang gồng mình đối phó với làn sóng Covid-19 lần 1, các công ty du lịch đối mặt với thời kỳ đóng băng “kinh khủng” nhất trong lịch sử, ông Huê cho biết VietCircle không chịu tác động quá mạnh mẽ như các DN lữ hành lớn bởi đã dần chuyển hướng sang tập trung tư vấn đào tạo và khai thác một số tour inbound chủ lực. Công việc công ty chủ yếu là khảo sát, đánh giá tài nguyên, tư vấn chiến lược, xây dựng sản phẩm du lịch cho các tỉnh ĐBSCL. Tuy vậy, cũng giống các công ty khác, VietCircle phải trích các quỹ dự phòng tích lũy trong nhiều năm để trang trải các chi phí thiết yếu. “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ dịch sẽ hoành hành trong mấy tháng, đến nay cũng đã gần 1 năm rồi. Thời gian đầu vẫn cố gắng trả lương cho nhân viên, sau đó không kham nổi nữa thì đành cho anh em tạm ngưng công việc. Văn phòng cũng rút nhỏ lại. Chúng tôi tạm thời “ngủ đông” cho đến khi thấy thật sự chắc ăn. Có thể phải tới giữa hoặc cuối năm 2021, du lịch mới có cơ hội”, ông Huê chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp du lịch đang phải chuyển hướng kinh doanh để sống sót qua mùa dịch ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Nhiều doanh nghiệp du lịch đang phải chuyển hướng kinh doanh để sống sót qua mùa dịch

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đánh giá chung về thị trường, Giám đốc VietCircle cho rằng không ai có thể hình dung được dịch sẽ tác động như thế nào. Nói là phục hồi sau mỗi đợt dịch bùng lên nhưng thời gian qua, chủ yếu các DN cố cầm cự làm nóng máy, không để rơi vào tình trạng đóng băng. Trong khi đó, hầu hết các DN đều không mạnh về tài chính, họ chỉ có thể chịu được 3 - 6 tháng. Những DN cố gắng bung sức lần 2, lần 3 đều “dính” hủy tour. Gần như các DN lữ hành hiện không còn tiền, có nhiều trường hợp lỗ lớn, nợ nần nhiều. Đến giờ này, từ DN lớn đến DN nhỏ, từ lữ hành cho tới lưu trú, khách sạn... đều đã trong tình trạng kiệt quệ. DN du lịch đã bị bào kiệt sức.

Hậu Covid-19 vẫn khó

Cố gắng cầm cự, sống sót qua dịch đang là mục tiêu sống còn của các DN du lịch, song thị trường du lịch hậu Covid-19 mới thật sự là nỗi lo lớn nhất đối với các DN.
Theo ông Phan Đình Huê, 2 đợt dịch bùng phát bất ngờ vừa qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người dân. Yếu tố quan trọng nhất của du lịch là phát triển bền vững. Trong hàng triệu người, chỉ cần 1 người chủ quan, lơ là thì tất cả mọi thứ sẽ “đứng lại” hết. Bên cạnh đó, năm nay có quá nhiều thời gian tất cả mọi thứ phải ngưng trệ, một khối lượng công việc lớn sẽ dồn lại, người dân sẽ khó khăn trong việc sắp xếp được thời gian và tài chính để đi du lịch sau dịch.
“Tương lai thì chưa rõ ràng, hiện tại các DN du lịch gần như không tiếp cận được chính sách hỗ trợ nào từ phía Chính phủ. Thậm chí, tiền ký quỹ lữ hành của các DN xin rút ra để tạm thời sống sót qua mùa dịch nhưng đến nay đã 1 năm vẫn chưa “nhúc nhích”. Chính sách giảm, miễn thuế thì không thực tế. Du lịch đang đứng trước nguy cơ “toang” sau dịch vì DN và người lao động không còn sức để tiếp tục theo đuổi nghề này nữa”, ông Huê nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Minh Mẫn, chính sách hỗ trợ cho người lao động quá trễ, đến tháng 10 vừa qua mới có một số người nhận được khoản hỗ trợ 1 triệu đồng. Mặt khác, không phải sau khi phục hồi, những người lao động hiện đang tạm nghỉ sẽ có thể quay về với nghề du lịch. Đối tượng lớn chuyển đổi ngành nghề trong suốt thời gian qua không có tiếp cận, tiếp xúc với khách hàng, không trau dồi kiến thức, tay nghề sẽ bị mai một.
“Ngành du lịch năm nào cũng được tuyên dương đóng góp đến 10% GDP, tạo ra 40 triệu việc làm, đem lại hàng tỉ USD cho nền kinh tế, nhưng khi khó khăn lại là đối tượng nằm ngoài chính sách ưu tiên hỗ trợ. Với chính sách như hiện nay, khi khách trở lại, du lịch phục hồi, sẽ còn ai có nghề tiếp tục cống hiến cho ngành?”, ông Mẫn đặt vấn đề.