Viettel cần tiếp tục chú trọng hoạt động nghiên cứu sản xuất và trở thành hạt nhân cho Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng công nghệ cao, đặt nền móng cho việc Việt Nam có thể làm chủ trang bị, vũ khí công nghệ cao, tự chủ việc sản xuất các trang bị, thiết bị này.

Ngày 16-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác Quốc hội đã có buổi làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như chiến lược phát triển của Tập đoàn. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng tham dự buổi làm việc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Viettel tiếp tục tiên phong kiến tạo cuộc sống số tại Việt Nam ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân duyệt đội danh dự QĐND Việt Nam tại buổi thăm và làm việc ở trụ sở Tập đoàn Viettel. Ảnh T.B
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác tại buổi làm việc, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, trên tinh thần của Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 -2020 và dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Viettel đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh với nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Năm 2019, tổng doanh thu Viettel đạt 251,5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4.700 lần so với năm 2000 (54 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 39,4.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 27.000 lần so với năm 2000 (1,4 tỷ đồng); nộp ngân sách Nhà nước đạt 38.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9.300 lần so với năm 2000. Trong nhiệm kỳ 5 năm từ 2015-2020, Viettel đã tạo ra 1.230.000 tỷ doanh thu; 200.000 tỷ lợi nhuận và đóng góp 195.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Viettel là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đứng số 1 tại Đông Nam Á, thứ 9 tại châu Á và thứ 28/150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt 5,8 tỷ USD. Viettel trở thành hình mẫu của một doanh nghiệp Nhà nước chấp nhận cơ chế thị trường, kinh doanh sáng tạo và có hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Viettel tiếp tục tiên phong kiến tạo cuộc sống số tại Việt Nam ảnh 2
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham quan và nghe giới thiệu về những sản phẩm công nghệ cao do Viettel nghiên cứu và sản xuất thành công. Ảnh T.B
Hiện nay, Viettel trở thành nhà mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam với 65 triệu thuê bao di động, chiếm 54% thị phần (trong đó 45 triệu thuê bao data) và 5,8 triệu thuê bao Internet cáp quang chiếm 41,5% thị phần. Mạng lưới viễn thông của Viettel là mạng siêu băng rộng với 360.000 km cáp quang đến hầu hết các huyện, xã; 120 ngàn trạm phát sóng; 5 trung tâm lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế, dẫn đầu thị trường Data center. Lĩnh vực đầu tư quốc tế của Viettel cũng có nhiều khởi sắc sau 14 năm, các thị trường Viettel đầu tư đã vươn lên dẫn đầu như: Cambodia, Laos, Timor, Burundi, Mozambique vị trí số 1; Haiti vị trí số 2. Theo đánh giá của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu - GSMA, Viettel nằm trong Top 20 công ty viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới về số thuê bao với hơn 50 triệu khách hàng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Viettel tiếp tục tiên phong kiến tạo cuộc sống số tại Việt Nam ảnh 3
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác, cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viettel chụp ảnh lưu niệm ở trụ sở Viettel. Ảnh T.B
Ở lĩnh vực Nghiên cứu sản xuất, Viettel đã nghiên cứu, sản xuất và làm chủ các thiết bị hạ tầng viễn thông từ các thiết bị mạng truy nhập đến thiết bị mạng lõi, giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho mạng lưới của Viettel và của quốc gia. Từ năm 2019, Viettel đã tập trung nguồn lực để triển khai nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng 5G, chip cho 5G và từ tháng 6-2020 đã triển khai thử nghiệm trạm 5G tại Bộ TT-TT, hiện đang tiếp tục tối ưu để triển khai trên diện rộng. Viettel đã làm chủ được các công cụ giám sát, quản lý và tác chiến trên không gian mạng để bảo vệ người dùng trên Internet, bảo vệ các hệ thống, bảo vệ chủ quyền số quốc gia.
Bên cạnh đó là thiết lập mạng viễn thông quân sự thứ 2; Viettel luôn đảm bảo hạ tầng mạng lưới phục vụ cho mạng thông tin quân sự trong thời bình và sẵn sàng chuyển trạng thái khi có tình huống đồng thời đảm bảo thông tin liên lạc khu vực biên giới, hải đảo và hạ tầng truyền dẫn của lực lượng quân đội. Trong giai đoạn phát triển thứ 4, Viettel đã và đang thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của Chính phủ và doanh nghiệp với việc triển khai các dự án quy mô quốc gia; Xây dựng hạ tầng thanh toán và thương mại số di động; Các quyết định trong quản lý, điều hành và chính sách kinh doanh của Viettel dựa trên phân tích dữ liệu Data Analytic được kết nối qua các hệ thống Data Lake, Dashboard, ERP... góp phần quan trọng trong việc đưa Viettel là doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh hiệu quả nhất, đưa Viettel tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kiến tạo xã hội số tại Việt Nam. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Viettel đã chủ động, tích cực hỗ trợ Chính phủ, các bộ ngành và người dân với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Viettel tiếp tục tiên phong kiến tạo cuộc sống số tại Việt Nam ảnh 4
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh T.B
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ những ấn tượng, đánh giá cao những thành tựu mà Viettel đã đạt được trong gian qua và đặt ra những yêu cầu đối với Tập đoàn trong thời gian tới. Theo Chủ tịch Quốc hội, Viettel là niềm tự hào, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Viettel khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Viettel là thương hiệu của Việt Nam không chỉ trong nước mà đi ra thế giới; là mũi nhọn kinh tế, Viettel đã và đang góp phần xây dựng đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Viettel là một thương hiệu mạnh, cần tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về viễn thông của Việt Nam, có vị trí cao trong khu vực Đông Nam Á và nâng hạng ở châu Á. Viettel cần tiếp tục chú trọng hoạt động nghiên cứu sản xuất và trở thành hạt nhân cho Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng công nghệ cao, đặt nền móng cho việc nước ta có thể làm chủ trang bị, vũ khí công nghệ cao, tự chủ việc sản xuất các trang bị, thiết bị này, tiếp tục nâng cao chất lượng, tính năng của các sản phẩm do Viettel chế tạo, phù hợp với khả năng tác chiến của quân đội để củng cố sức mạnh quân sự, bảo vệ đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Viettel tiếp tục tiên phong kiến tạo cuộc sống số tại Việt Nam ảnh 5
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà lưu niệm cho Ban Giám đốc Tập đoàn Viettel khi kết thúc buổi làm việc. Ảnh T.B
Với việc Viettel đã xây dựng được nền tảng cơ sở hạ tầng số, các giải pháp quan trọng cho Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng với các sản phẩm công nghệ được đánh giá cao; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Viettel cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong kiến tạo cuộc sống số và xã hội số tại Việt Nam, xây dựng Việt Nam có nền kinh tế số, quản trị đất nước xã hội bằng công nghệ số.