(PL)- Việc xây dựng đô thị thông minh là để phục vụ cho toàn bộ xã hội với mọi tầng lớp, do đó phải làm sao để không ai bị bỏ lại phía sau.

Sáng 16-7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức buổi khảo sát tình hình triển khai thực hiện đề án “Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025”.

Đợi dự án được thông qua thì công nghệ lạc hậu

Tại buổi khảo sát, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, đề nghị TP có ý kiến để Bộ Công an sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai cơ sở dữ liệu dân cư nhằm phục vụ cho ĐTTM. Hiện cơ sở dữ liệu hộ tịch của TP đã hoàn thành 70%. “Cơ sở dữ liệu dân cư hết sức quan trọng trong các bài toán mô phỏng, dự báo cũng như câu chuyện quản lý” - bà Trinh nói.

Nói về khó khăn của đề án ĐTTM, bà Trinh phân tích: Quy trình thực hiện các dự án ĐTTM theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước phức tạp, thời gian kéo dài, dẫn đến việc khi dự án được thông qua thì giải pháp công nghệ thông tin không còn phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận việc xây dựng ĐTTM dĩ nhiên sẽ rất khó khăn. Bởi theo ông, công việc xây dựng đề án ĐTTM đòi hỏi phải có cả con người thông minh và cơ chế thông minh. Ông phân tích: ĐTTM có tính thời gian, thời sự rất cao trong sự chuyển động rất nhanh của công nghệ thế giới. Thế nhưng cơ chế của chúng ta lại chuyển động chậm hơn so với thế giới.

Đại biểu Nghĩa đề nghị: “Thành ủy, UBND TP phải có kiến nghị cụ thể để đại biểu Quốc hội báo cáo, thậm chí thúc đẩy trên phạm vi toàn quốc, vì việc xây dựng ĐTTM liên quan đến các bộ chứ chúng ta không thể làm một mình hay chỉ làm một ốc đảo thông minh được”.

Đại biểu Nghĩa đề nghị phải có cách tháo gỡ cơ chế nếu muốn thúc đẩy ĐTTM ở nước ta. “Như hiện nay thì ĐTTM không làm được bởi cơ chế của ta không cho phép linh hoạt, nhất là đụng tới ngân sách, tài sản công”.

Theo đại biểu Nghĩa, khi nói về ĐTTM, có ba yếu tố giúp cho đời sống công dân dễ chịu và tiện lợi hơn. Thứ nhất là phải vì công dân, vì một chất lượng sống cao hơn; thứ hai là để có những dịch vụ công tốt hơn, chứ không chỉ để phục vụ cho Nhà nước quản lý dễ hơn; thứ ba là giúp cho kinh tế phát triển bền vững hơn.

TP.HCM: Đô thị thông minh phải hướng đến phục vụ người dân - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận việc xây dựng đề án đô thị thông minh đòi hỏi phải có cả con người thông minh và cơ chế thông minh. Ảnh: LÊ THOA

Đô thị thông minh không bỏ ai rớt lại phía sau

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ quan tâm về sự tham gia của người dân vào đề án. Theo bà, việc người dân tương tác đóng góp ý kiến, quan tâm đến đề án ĐTTM của TP sẽ giúp ích cho việc triển khai đề án.

 

Bà Tâm đề nghị Sở TT&TT phải là cơ quan chính tham mưu giải quyết việc quy trình xử lý hồ sơ chậm, khiến công nghệ lạc hậu. “Chúng ta phải suy nghĩ giải bài toán này như thế nào để tránh gây lãng phí lớn về đầu tư công, thời gian. Vì thế giới đã đi trước chúng ta hơn 20 năm” - bà Tâm nói.

Một trong những trụ cột khi thực hiện đề án đô thị thông minh là làm cho người dân, cán bộ thuận tiện trong thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, có tình trạng các bộ, ngành ban hành biểu mẫu để thực hiện thủ tục hành chính và địa phương phải mua lại biểu mẫu này để sử dụng… gây ra phiền phức, không thuận tiện cho cán bộ và người dân. Đã là biểu mẫu thì nên để cho địa phương chủ động sử dụng, người dân có thể lên mạng tải xuống sử dụng.

Đại biểu PHAN THỊ BÌNH THUẬN, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM 

Góp ý cho ĐTTM, bà Tâm cho rằng chỉ có người dân thông minh mới tương tác được với công cụ, hạ tầng thông minh. Trong khi đó, trình độ của người dân TP chia ra nhiều cấp độ. “Quá trình xây dựng ĐTTM đòi hỏi lãnh đạo TP phải phục vụ cho toàn bộ xã hội với tất cả tầng lớp, chứ không phải chỉ phục vụ cho nhóm người tri thức. Với những người rớt lại phía sau thì mình phải làm sao để phục vụ họ, xây dựng họ thành con người thông minh, có thể tương tác được với hệ thống, không để họ bị bỏ lại phía sau” - bà Tâm phân tích.

Bà cũng cho rằng phải đảm bảo tính an ninh cho hệ thống ĐTTM, tránh bị trục trặc. Chẳng hạn như ở sân bay Tân Sơn Nhất, nếu có trục trặc là toàn bộ hệ thống bị tê liệt, thủ tục phải làm bằng tay, người dân phải chờ đợi. “Làm sao đảm bảo hệ thống tuyệt đối không có bất cứ trục trặc nào làm gián đoạn hoạt động xã hội. Đồng thời không làm lộ bí mật quốc gia, làm thiệt hại nền sản xuất, kinh doanh…” - bà Tâm nói thêm.

Đô thị thông minh giúp người dân giám sát chính quyền

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết giai đoạn 1 của ĐTTM đã đạt được một số kết quả cơ bản. Kho dữ liệu dùng chung của TP đã được chia sẻ qua Cổng dữ liệu mở của TP, bước đầu chia sẻ tài nguyên, dữ liệu với người dân, doanh nghiệp, khuyến khích người dân tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội.

Trung tâm điều hành ĐTTM giai đoạn 1 đã vận hành từ tháng 4-2019, tích hợp gần 1.500 camera với chức năng nhận diện khuôn mặt, nhận dạng phương tiện, phát hiện đám đông, sự cố về an ninh trật tự, giao thông…

Các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, chống ngập, môi trường đã cung cấp một số tiện ích cho người dân, như tra cứu thông tin… Mô hình quận, huyện trực tuyến, cổng 1022 tạo sự tương tác giữa người dân với các cơ quan nhà nước, giúp người dân giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền.