LDO - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Y tế TPHCM tiếp tục siết chặt các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh từ đầu vào. Đặc biệt, các bệnh viện ở TPHCM đã tăng cường xây dựng các “hàng rào” chống COVID-19 để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong môi trường này.

Người đến khám chữa bệnh tiến hành khai báo y tế tại bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: Thanh Chân
Người đến khám chữa bệnh tiến hành khai báo y tế tại bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: Thanh Chân

Thắt chặt khai báo y tế ngay từ cổng vào

Ngay khi xuất hiện trở lại bệnh nhân mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TPHCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh (Giám đốc Sở Y tế TPHCM) nhận định, các bệnh viện tại TPHCM là những nơi dễ phát tán dịch bệnh nhất nên phải có biện pháp phòng ngừa riêng biệt. Chính vì vậy, những đơn vị này đã thắt chặt công tác kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh ngay từ cổng bệnh viện với quyết tâm cao không để COVID-19 xâm nhập.

Ghi nhận của phóng viên ngay tại Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh, TPHCM), nơi tiếp nhận hàng nghìn trường hợp đến khám và điều trị mỗi ngày, đơn vị đã tổ chức 2 cổng kiểm tra, khai báo y tế. Mỗi cổng được chia thành 2 nhánh với các hình thức khai báo trên giấy và trên máy tính. Ngoài ra, người đến khám chữa bệnh phải đeo khẩu trang suốt thời gian vào viện, xịt tay khử khuẩn, khai báo y tế... ngay tại cổng.

“Từ đầu năm 2020, chúng tôi liên tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch để không lọt trường hợp lây nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, tất cả người đến bệnh viện đều phải khai báo y tế sau đó được dán nhãn an toàn. Trong quá trình thăm khám chữa bệnh, các bác sĩ tiếp tục thực hiện kiểm tra khai báo y tế nhằm phát hiện trường hợp cố tình che giấu. Cùng với đó, bệnh viện chuẩn bị sẵn phòng trống ở mỗi tầng lầu nhằm xử lý kịp thời khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ tại khoa” - TS-BS Diệp Bảo Tuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, TPHCM - cho biết.

Tương tự, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng phân luồng bệnh nhân, xây dựng lối đi khám bệnh, khu vực cách ly riêng biệt. Tại các khoa phòng, người bệnh đều được nhân viên y tế nhắc nhở liên tục việc phải đeo khẩu trang 24/24 giờ và ngồi giãn cách an toàn...

Mỗi bệnh nhân chỉ có một thân nhân nuôi bệnh

Là đơn vị y tế tuyến đầu, điều trị rất nhiều ca bệnh nặng và bệnh nhân nhiều người mắc bệnh nền, Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TPHCM) đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, mỗi bệnh nhân chỉ có một thân nhân nuôi bệnh và không thay đổi người nuôi bệnh trong suốt 1 tuần. Bệnh viện sẽ không giải quyết thăm bệnh trong suốt thời gian nằm viện. Người thân nuôi bệnh cũng được quy định rõ ràng (từ 16 giờ đến 6 giờ hôm sau). Cùng với đó, hạn chế tụ tập và tiếp xúc với người xung quanh để bảo vệ sức khỏe của cả bản thân, cũng như gia đình và xã hội. “Tôi có người thân nằm tại bệnh viện, bình thường nhiều người được vào chăm sóc cùng lúc nhưng nay chỉ được 1 người vào chăm sóc. Việc này có đôi chút vất vả nhưng tôi thấy hoàn toàn hợp lý vì giúp bảo vệ sức khỏe của chính người bệnh và của cả gia đình. Mọi người ai cũng chịu thiệt thòi đôi chút nhưng đồng lòng thì dịch sẽ sớm qua” - anh Hải Phan (quận 6, TPHCM) chia sẻ.

Để đảm bảo phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, ông Tăng Chí Thượng (Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM) vừa yêu cầu các cơ sở y tế cần duy trì và củng cố hoạt động kiểm soát tất cả người đến, bao gồm người bệnh, thân nhân, nhân viên bệnh viện và dịch vụ thuê ngoài... Các quy định như mang khẩu trang, kiểm soát thân nhiệt, sát trùng khai báo y tế phải thực hiện đầy đủ.

Đặc biệt, các cơ sở y tế cần thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán với trường hợp đã từng đến điểm dịch tễ trong cùng thời gian mà Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đã công bố, có hoặc không có triệu chứng sốt, viêm đường hô hấp cấp. Trường hợp đến những điểm dịch tễ, ngoài thời gian mà HCDC công bố, nhưng có triệu chứng sốt, hoặc triệu chứng viêm đường hô hấp cấp cũng phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Các bệnh viện cũng đang triển khai sàng lọc, phân luồng người đến khám, chữa bệnh tại khoa Khám bệnh hoặc khoa Cấp cứu, đặc biệt là người có yếu tố dịch tễ hoặc xuất hiện triệu chứng sốt, hô hấp. Mỗi khoa lâm sàng nội trú phải có một buồng cách ly tạm cho người bệnh khi phát hiện có yếu tố dịch tễ, triệu chứng nghi ngờ COVID-19 hoặc bệnh lây nhiễm khác.

“Những bệnh viện chưa được Bộ Y tế công nhận xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 tập trung gửi mẫu về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Các đơn vị này cần tổ chức tập huấn lại cho toàn bộ nhân viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh, kiến thức kiểm soát nhiễm khuẩn, kỹ thuật sử dụng máy thở… Cơ sở y tế cần hạn chế đi lại giữa các khoa, phòng, giảm tình trạng tập trung đông người tại những khu vực thường bị ùn tắc trong bệnh viện, giãn cách theo quy định” - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng lưu ý.

TPHCM: 3.259 mẫu liên quan đến các ca mắc COVID-19 có kết quả âm tính

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh COVID-19, tính đến sáng ngày 7.12, TPHCM đã lấy 3.259 mẫu xét nghiệm F1, F2 và các ca rà soát cộng đồng liên quan đến các trường hợp tiếp xúc với 4 ca dương tính (bệnh nhân 1342, 1347, 1348 và 1349). Qua xét nghiệm, có 861 trường hợp tiếp xúc gần (F1), 1.400 trường hợp tiếp xúc của F1 và 1.002 trường hợp lấy mẫu giám sát cộng đồng cho kết quả âm tính với COVID-19.