Thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định của Chính phủ, UBND TP mới đây đã có báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TPHCM năm 2020.

 

Theo đó, Thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền để quy định, điều chỉnh các vấn đề phát sinh trên địa bàn Thành phố; quy định cơ chế phối hợp quản lý giữa các ngành, các cấp. Cụ thể, từ ngày 01/12/2019 đến ngày 30/11/2020, Thành phố đã ban hành 49 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, HĐND TP ban hành 12 Nghị quyết, UBND TP ban hành 37 Quyết định.

Về công tác thanh tra, đã có 236 cuộc thanh tra hành chính được thực hiện tại 450 đơn vị, trong đó, có 134 cuộc thanh tra đã có kết luận thanh tra. Qua thanh tra phát hiện 117 đơn vị có sai phạm, kiến nghị thu hồi số tiền hơn 140 tỷ đồng (đã thu hồi hơn 134 tỷ đồng); kiến nghị xử lý hành chính 56 tổ chức và 173 cá nhân; đã xử lý kỷ luật hành chính 91 tổ chức và 272 cá nhân; đã chuyển cơ quan điều tra 12 vụ việc.

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết 233 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, trong đó có 12 đơn khiếu nại đúng, 125 đơn khiếu nại sai, 40 đơn khiếu nại có đúng và 56 trường hợp người khiếu nại không đến làm việc, rút khiếu nại. Ngoài ra, đã giải quyết 18 đơn tố cáo, trong đó không có đơn tố cáo đúng, 13 đơn tố cáo sai; 04 đơn tố cáo có đúng có sai, 01 đơn rút tố cáo..

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thành phố đã được tăng cường bằng nhiều hình thức với các giải pháp cụ thể, quyết liệt góp phần kéo giảm các vụ việc vi phạm pháp luật hình sự, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Các cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm xảy ra trên địa bàn TP.

Qua các hoạt động kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền và thông qua tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Cụ thể, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã kiểm tra 6.364 cơ sở, phát hiện 239 cơ sở vi phạm, xử phạt 230 cơ sở với tổng số tiền là hơn 3 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn 04 cơ sở; buộc tháo dỡ, tháo gỡ quảng cáo 05 cơ sở; buộc kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch lại 315 kg sản phẩm động vật, thực hiện tịch thu để tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy 2.608 kg sản phẩm động vật và 12 đon vị sản phẩm.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trái cây nhập vào chợ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trái cây nhập vào chợ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thanh tra Sở Công Thương đã ban hành 104 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công thương với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung ở lĩnh vực hóa chất, xăng dầu, thương mại điện tử, đa cấp, bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số cá nhân, tổ chức có hành vi lợi dụng để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc đưa ra thị trường các mặt hàng khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn nhập lậu, giả mạo, kém chất lượng.

Sở Giao thông vận tải đã phát hiện và xử phạt 8.586 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 38 tỷ đồng.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính 48 trường hợp về lĩnh vực báo chí, bưu chính, viễn thông, xuất bản, Internet với tổng số tiền phạt là hơn 800 triệu đồng, trong đó có nhiều trường họp bị xử phạt do có hành vi đưa tin giả mạo về tình hình dịch Covid-19.

Thanh tra Sở Y tế ban hành 236 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng tiền phạt là 6 tỷ đồng, trong đó có nhiều trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19.

Riêng đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, có tổng số 3.016 vụ việc vi phạm hành chính, trong đó có 2.958 vụ đã được giải quyết, còn lại 58 vụ việc đang hoàn thiện hồ sơ đế xử lý.

Về xử lý vi phạm hành chính ở một số cơ quan, đơn vị, huyện Củ Chi có số vụ vi phạm hành chính nhiều nhất TP (33 vụ) và huyện Bình Chánh thu về số tiền nộp phạt nhiều nhất TP (2,5 tỷ đồng).

Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân tuân thủ nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, một bộ phận người dân, chủ doanh nghiệp chưa nhận thức được hết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường với đời sống con người, do vậy, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó, phổ biến là hành vi gây tiếng ồn, xả rác bừa bãi nơi công cộng, đổ rác chưa đúng nơi quy định, tổ chức vi phạm về các hành vi xả thải,...