Thay đổi mô hình kinh doanh, chịu những quy định quản lý giống với taxi truyền thống khiến xe công nghệ mất dần lợi thế cạnh tranh, người tiêu dùng hết cơ hội gọi xe giá rẻ.
Taxi công nghệ đã không còn giá cạnh tranh so với taxi truyền thống
ẢNH: HÀ MAI
Giá cao hơn cả taxi truyền thống
Một tuần qua, câu chuyện tranh cãi về mức chiết khấu của tài xế hãng gọi xe công nghệ Grab nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong khi Tổng cục Thuế khẳng định Nghị định 126/2020 không có thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), nghĩa vụ khai thuế VAT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp (DN) thực hiện, thì phía Grab đã nhanh chóng tăng giá cước, tăng mức chiết khấu đối với tài xế từ ngày 5.12 với lý giải đáp ứng việc thực hiện thu thuế theo quy định mới của Nghị định 126. Sau nhiều cuộc đối thoại giữa Grab với Tổng cục Thuế và Grab với tài xế, việc ai chịu thuế VAT, ai hưởng lợi, tài xế có giảm thu nhập hay không với cách tính thuế mới, vẫn chưa ngã ngũ. Song thực tế người tiêu dùng đang là đối tượng bị tác động đầu tiên.
Là khách hàng thường xuyên sử dụng Grab di chuyển hằng ngày, chị Hoàng Yến (ngụ Q.4, TP.HCM) thấy rõ cước di chuyển ngày càng tăng. Đơn cử, cùng một quãng đường 2,2 km từ nhà đến cơ quan (Q.3), trước đây chị Yến gọi dịch vụ GrabCar 4 chỗ chỉ mất khoảng 33.000 - 35.000 đồng. Sau một số lần Grab tăng giá cước tối thiểu, cộng thêm phí thời gian di chuyển, phí nền tảng..., đến nay, số tiền chị phải trả đã tăng lên 44.000 - 46.000 đồng, tương đương tăng gần 30%. Cùng quãng đường đó, taxi Mai Linh 4 chỗ, tổng tiền phải trả chỉ 40.000 đồng. Tương tự, chị Loan (ngụ Q.7, TP.HCM) ước tính giá cước vận chuyển của Grab cũng đã tăng khoảng 20% so với cách đây 1 năm khi giá xe Grab 4 chỗ từ đường Lâm Văn Bền, P.Tân Quy (Q.7) ra sân bay Tân Sơn Nhất trước chỉ có giá 150.000 - 160.000 đồng, nay lên gần 190.000 đồng.
Thử đặt 3 cuốc xe trên 3 ứng dụng: Grab, be và taxi Vinasun, trên cùng một quãng đường từ đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) đến đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận), chúng tôi ghi nhận 3 mức giá: thấp nhất là ứng dụng be 47.000 đồng, áp dụng khuyến mãi 15%, giảm còn 44.000 đồng; Grab báo giá 56.000 đồng, trong khi taxi Vinasun ước giá 59.000 đồng. Cá biệt, cũng trên quãng đường này, thay đổi thời điểm đặt xe vào khoảng 12 giờ, giá dịch vụ Grab “vọt” lên 74.000 đồng với lý do giờ cao điểm, cao hơn 25% so với giá taxi truyền thống.
Thời “hoàng kim” của taxi công nghệ đã hết
Không thể phủ nhận trong mấy năm qua, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ đã mang đến bước chuyển mình ngoạn mục cho ngành vận tải VN. Minh bạch thông tin, giá cước, người tiêu dùng không còn khốn khổ chịu cảnh taxi đi lòng vòng “ăn tiền”, thái độ thiếu văn minh, bất lịch sự như trước. Quan trọng nhất là giá cước đặt xe qua các ứng dụng công nghệ thấp hơn nhiều so với taxi truyền thống do kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu thông qua ứng dụng, các DN này không phải chịu nhiều chi phí như mô hình của taxi truyền thống. Phần chi phí tiết kiệm này được giảm trực tiếp vào giá thành, khiến người tiêu dùng có được mức giá tốt nhất.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định “thời hoàng kim” của taxi công nghệ, giai đoạn người tiêu dùng được hưởng một dịch vụ hoàn toàn mới với giá thành rẻ đã không còn nữa. Việc giá cước taxi công nghệ tăng cao bằng, thậm chí hơn taxi truyền thống hiện nay chính là hệ quả đã được báo trước. Cụ thể, Nghị định 10/2020 do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 1.4 thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã xóa bỏ hết những ưu thế cạnh tranh của mô hình kinh tế chia sẻ này. Grab phải xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, tức trở thành một DN vận tải giống như Vinasun, Mai Linh taxi, thay vì một DN công nghệ. Nếu Grab đơn thuần là ứng dụng gọi xe, họ sẽ không phải chịu 10% thuế VAT, không xảy đến câu chuyện tăng giá cước và tăng khấu trừ gây lùm xùm như thời gian qua.
Trước đó, trong suốt 6 năm đơn vị quản lý loay hoay sửa đổi Nghị định 86, tìm định danh cho Grab, ông Long cùng rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo nếu định danh họ là công ty vận tải, yêu cầu DN công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một hãng taxi truyền thống sẽ làm biến đổi bản chất của đơn vị cung cấp hoạt động, tạo gánh nặng cho việc thực thi. Khi đó, các DN như Grab sẽ phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên... Tất cả chi phí sẽ được DN áp vào giá thành, triệt tiêu lợi ích của cả DN và người tiêu dùng, đồng thời cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ.
Chiếu theo đúng quy định của Nghị định 10, Grab là DN vận tải, trở về đúng mô hình kinh doanh của taxi truyền thống, sẽ không còn lợi thế để giảm chi phí, giảm giá thành như trước đây. Cạnh tranh hiện nay chỉ là dịch vụ, quản trị và DN nào chấp nhận mức lợi nhuận ít hơn để giảm giá cho người tiêu dùng.