TTO - Chàng trai Bùi Ngọc Quý đã từ bỏ công việc hằng ngày của mình, độc hành xuyên Việt hơn 2 tháng. Hành trang chỉ có 5 đôi tất, 2 đôi giày, 3 bộ đồ và… chiếc ví "0 đồng".

Đi bộ 2 tháng xuyên Việt với ví 0 đồng, gây quỹ xây trường cho trẻ vùng cao - Ảnh 1.

Sau hai tháng, Bùi Ngọc Quý hoàn thành chuyến đi xuyên Việt gây quỹ xây trường cho trẻ nghèo - Ảnh: NVCC

Một ngày tháng 5, Bùi Ngọc Quý (23 tuổi, quê ở Gia Lai) bắt đầu hành trình xuyên Việt từ TP.HCM. Sau hai tháng, Quý vừa đặt chân đến quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đến lăng Bác - địa điểm cuối cùng của chuyến đi.

Trước lúc bắt đầu hành trình, Quý làm việc cho một cửa hàng hoa ở TP.HCM với thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nhưng cuộc sống của chàng trai trẻ cứ thế trôi qua trầm lặng, thậm chí nhàm chán.

Đọc nhiều về những hành trình xuyên Việt của các bạn trẻ, Quý nghĩ: "Họ làm được, mình cũng làm được". Vậy là cậu quyết định nghỉ việc để lên đường. "Tôi mong muốn thay đổi bản thân", Quý quả quyết.

Từ bỏ công việc, trong ví lúc đó là số tiền… 0 đồng. Hành trang anh mang theo chỉ có 5 đôi tất, 2 đôi giày, 3 bộ đồ, một chiếc balo, điện thoại và cục sạc dự phòng.

"Mình muốn trải nghiệm, muốn gặp gỡ những tấm lòng nhân ái sẽ giúp đỡ mình trên hành trình này và mai sau. 0 đồng là một thử thách rất khó, cứ đi đến lúc đói quá, mệt quá thì cũng phải bỏ qua tất cả sĩ diện bản thân để xin ăn, xin uống, xin ngủ nghỉ nhờ", Quý nhớ lại.

Dọc đường đi, để có tiền, Quý xin phụ việc ở quán ăn, phụ các việc vặt để đổi lấy phần ăn, có những nơi họ cũng cho ăn miễn phí. Nhưng khó nhất là chỗ nghỉ ngơi, thường thì ngủ ở ngoài công viên, ghế đá, hiên nhà và những quán cà phê võng.

Đi bộ 2 tháng xuyên Việt với ví 0 đồng, gây quỹ xây trường cho trẻ vùng cao - Ảnh 3.

Quý kể trải nghiệm đáng nhớ nhất là đến Quảng Trị được các anh chị trong hội thiện nguyện đồng hành chung, khiến anh thêm vững bước trên hành trình - Ảnh: NVCC

Để luyện được sức bền và sự dẻo dai, trước đây anh chàng thường xuyên chạy bộ, tập luyện, thậm chí có ngày chạy bộ gần 40km. Thế nhưng đến lúc đi, khi có thêm chiếc balo và những món đồ thì lại là chuyện khác.

Ngày đầu tiên, sang ngày thứ 2, thứ 3, đôi chân Quý bị phồng rộp, đau các cơ. Anh giãi bày, hành trình này có vô vàn những kỷ niệm, có lúc bị… sàm sỡ, có lúc bị giật điện thoại nhưng may mắn không mất, có lúc ngủ bên lề đường và đi lạc nhiều tiếng.

Ban đầu vốn suy nghĩ chỉ đi để trải nghiệm, Quý lại thấy như vậy thì khá nhàm chán. Vốn thích từ thiện và sẵn sàng tham gia khi có thể, qua các kênh thông tin, anh biết được các điểm trường ở xã biên giới thường xuyên xuống cấp.

"Sau 7 ngày đi bộ, mình bắt đầu liên hệ và phát động chiến dịch quyên góp. Đầu tiên phải liên hệ đến huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, sau 4-5 cuộc gọi thì mới gặp được cán bộ ở phòng giáo dục huyện, nhận lời chia sẻ và góp ý. Sau đó mình mày mò viết bài để đăng lên Facebook kêu gọi ủng hộ", chàng trai trẻ chia sẻ.

Mỗi nơi đi qua, bằng chiếc điện thoại của mình, Quý ghi lại những khoảnh khắc, liên tục cập nhật Facebook để kêu gọi các mạnh thường quân. Anh nhớ lại có lần nhận được 72 triệu đồng nhưng không biết chủ nhân là ai, thực sự bất ngờ.

Có những người sẵn sàng ủng hộ, song anh cũng nhận về không ít lời xì xào, chỉ trích. "Anh là ai", "ai là người đứng sau", "tổ chức nào đứng ra bảo hộ?"… là những câu hỏi mà anh thường xuyên nhận được.

"Đọc được những dòng đó thực sự mình rất buồn, thậm chí muốn dừng hành trình. Nhưng để chứng minh rằng những điều trên là sai, Quý lại tiếp tục chiến đấu. Chỉ hơn sau 10 ngày mình đã kêu gọi đủ số tiền 120 triệu đồng và hiện tại con số đã lên được hơn 126 triệu đồng", Quý bộc bạch.

Đi bộ 2 tháng xuyên Việt với ví 0 đồng, gây quỹ xây trường cho trẻ vùng cao - Ảnh 5.

Sau 2 tháng khởi hành, Quý đã đặt chân đến lăng Bác - điểm cuối của hành trình xuyên Việt - Ảnh: NVCC

Sau khi kết thúc hành trình xuyên Việt, Quý tiếp tục đi lên Mường Tè (Lai Châu). Toàn bộ số tiền chàng trai nhận được sẽ dùng để xây ngôi nhà sinh hoạt bán trú cho trẻ em mầm non ở địa bàn.

Hiện anh đang về lại TP.HCM để chuẩn bị cho công việc và sẽ quay lại thăm các thầy cô, các em học sinh khi công trình khánh thành.

Dự kiến tổng diện tích công trình nhà sinh hoạt bán trú cho trẻ khoảng 180m2.

Chị Vũ Thị Tâm, cán bộ chuyên môn phòng giáo dục và đào tạo huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết những năm gần đây, tại điểm trường xã Mù Cả, dãy phòng sinh hoạt chung, khu vui chơi của các em học sinh được làm bằng gỗ đã xuống cấp trầm trọng.

"Hi vọng nhờ số tiền mà Quý quyên góp các em sẽ có được sân chơi mới. Hiện ở Lai Châu đang vào mùa mưa nên việc thi công chưa thể nói trước, chúng tôi sẽ cố gắng sớm hoàn thành công trình trước năm học mới như là món quà dành tặng các em", chị Tâm chia sẻ.

CÔNG HIẾU