GNO - Vừa qua, tại Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức hội thảo “Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí”.
 
dsc_0102.jpg
Quang cảnh hội thảo
 
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu chư tôn đức, Ni trưởng, Ni sư, các nhà khoa học, học giả, nhà nghiên cứu Phật giáo…
 
Thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, GS-TS.Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHVN phát biểu khai mạc.
 
dsc_0088.jpg
GS-TS.Đặng Nguyên Anh phát biểu khai mạc

 

Hội thảo tập trung vào các nội dung: Vai trò của truyền thông với Phật giáo; Nữ giới đối với báo chí Phật giáo trong lịch sử và đương đại; Đóng góp của nữ giới Phật giáo trong quan hệ Việt Nam -  Ấn Độ…
 
Qua các tham luận trình bày tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích thực trạng và khẳng định những thành tựu đạt được của nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông; đánh giá những thuận lợi và thách thức, chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan phần nào cản trở sự tham gia của nữ giới Phật giáo vào công tác báo chí, truyền thông; đề xuất các giải pháp để tăng cường tiếng nói của nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí và đời sống chính trị - xã hội.
 
dsc_0112.jpg
Chư Ni tham dự hội thảo
 
Tại hội thảo các đại biểu được nghe các bài tham luận trình bày của các Ni trưởng, Ni sư, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu Phật giáo... với nhiều nội dung dưới góc nhìn khoa học và tôn giáo nhằm làm sáng tỏ những thành tựu và vai trò của nữ giới Phật giáo Việt Nam trong lĩnh vực báo chí qua các thời kỳ.
 
Các bài tham luận đã định hướng rõ nhiệm vụ, vai trò của nữ giới Phật giáo trong báo chí: TS.Bùi Thị Thủy, Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày tham luận "Nữ giới Phật giáo với truyền thông hiện đại - thời cơ và thách thức"; TS.Nguyễn Thị Thu Hường - tham luận "Một vài suy nghĩ về vai trò truyền thông đại chúng trong việc đưa tin về Phật giáo"; Nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam với tham luận "Nữ giới và báo chí Phật giáo giai đoạn 1930- 1945"; NS.Thích nữ Như Nguyệt, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM với tham luận "Đóng góp của nữ giới Phật giáo với báo chí Phật giáo trong lịch sử"; NS. Thích Đàm Huề, Phó Thư ký Phân ban Ni giới T.Ư với tham luận "Nữ giới Phật giáo trong lĩnh vực báo chí từ những đóng góp của Đặc san Hoa đàm".
 
dsc_0280.jpg
NS.TN Như Nguyệt, Phó Viện Trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM trình bày tham luận
 
NS-TS.Thích nữ Như Nguyệt - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ni giới Phật giáo với tham luận "Tìm lại giá trị và vị trí của nữ giới Phật giáo trong thời đại báo chí 4.0"; NS.Thích nữ Như Minh với tham luận "Hương đàm tiếng nói của Ni giới Bà Rịa -Vũng Tàu”; NS-TS.Thích Tuệ Liên với tham luận "Ni giới Phật giáo Khất sĩ với truyền thông "; NS.Thích Liễu Pháp, thiền viện Viên không Ni với tham luận "Trường Tiểu học Kiều Đàm Di Việt Nam giữa lòng Ấn Độ"; SC-TS.Thích Diệu Hiếu, Phó khoa Pali Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh với tham luận "Nữ tu Ấn Độ và việc sử dụng tạp chí Phật giáo thúc đẩy thiền Vipassanã ngày nay"; TS.Trần Thanh Thúy, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á với tham luận "Từ câu chuyện truyện truyền thông thời Đức Phật đến một số vấn đề truyền thông Phật pháp hiện đại"; PGS-TS.Hoàng Thị Thư, Viện Nghiên cứu Triết học với tham luận "Ni giới Phúc tuệ song tu trên báo chí Phật giáo và điển hình trên Hoa Đàm. TS Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á "Ni sư Thích Đàm Huề với lĩnh vực báo chí Phật giáo".
 
dsc_0356_1.jpg
NS.TN Như Nguyệt tổng kết hội thảo
 
Dịp này, NS-TS.Thích Đàm Thành, Phó Phân ban Ni giới T.Ư đã đóng góp ý kiến trong buổi thảo luận, đánh giá cao các bài tham luận đã nêu rõ vai trò của nữ giới Phật giáo trên lĩnh vực truyền thông đại chúng và mong muốn thời gian tới Tạp chí Hoa đàm trở thành tiếng nói của Ni giới Việt Nam, góp phần tích cực trong lĩnh vực báo chí Phật giáo.

 

Phúc Thịnh - Diệu Nhân