LDO - Mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh sẽ được thực hiện từ ngày 1.7.2021, theo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hồ Chí Minh (được Quốc hội thông qua vào ngày 16.11). Với việc không tổ chức HĐND quận, phường, mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng giúp bộ máy hành chính của TP.Hồ Chí Minh được tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc giám sát, chống lạm quyền ở những nơi không còn tổ chức HĐND sẽ được thực hiện như thế nào là vấn đề dư luận đang quan tâm.
Băn khoăn về việc giám sát chống lạm quyền ở cấp quận, phường
Theo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM vừa được Quốc hội thông qua, thì ở cấp quận, phường trên địa bàn thành phố sẽ không còn tổ chức HĐND. Còn ở cấp thành phố, huyện, thị trấn, xã tại TPHCM sẽ tổ chức theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cụ thể, UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng; có nhiệm vụ phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của UBND phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.
UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng; cán bộ, công chức làm việc ở các tổ chức cấp phường thuộc biên chế của tổ chức cấp trên.
Việc TPHCM chỉ còn HĐND cấp thành phố, trong khi khối lượng công việc nhiều, nhiều người lo ngại rằng, vậy việc giám sát, chống lạm quyền đối với chính quyền cấp quận, phường sẽ khó thực hiện.
Theo TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, khi thực hiện chính quyền đô thị thì một vấn đề hết sức đáng chú ý, đó là giám sát quyền lực, đảm bảo quyền lực nhà nước sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng lạm quyền. Dù cơ chế giám sát của Ủy ban MTTQ được quy định khá cụ thể, đa dạng hình thức, nhưng hiện nay hình thức giám sát phổ biến vẫn là tổ chức đoàn giám sát.
Mặt khác, công tác giám sát cũng mới chỉ dừng lại ở phát hiện, cho ý kiến tại kỳ họp, phiên họp của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát. “Muốn giám sát bằng văn bản cũng khó vì nhiều cơ quan nhà nước không công khai, minh bạch các chính sách để người dân và các đoàn thể giám sát” - ông Thắng cho hay.
Tăng 19 đại biểu chuyên trách giám sát
Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Đức Hải - Phó Chủ tịch HĐND TPHCM - cho biết, sau khi có nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị, TPHCM sẽ tổ chức kế hoạch triển khai nghị quyết ngay bởi thời gian còn lại chỉ hơn 6 tháng. Khi không tổ chức HĐND cấp phường và quận, vai trò và trách nhiệm của các đại biểu HĐND TPHCM phải được nâng lên để đáp ứng yêu cầu đại diện quyền làm chủ của người dân.
Để thực hiện giám sát, chống lạm quyền, ông Hải cho biết Quốc hội cho phép TPHCM tăng lên 19 đại biểu chuyên trách HĐND. Với 19 đại biểu chuyên trách, mỗi đại biểu sẽ thực hiện chuyên trách, giám sát một quận. Với các quyết định đầu tư công trung hạn 5 năm, dự toán thu chi ra sao đều do HĐND thành phố quyết định. Bởi vậy, cơ chế giám sát vẫn được thực hiện đầy đủ dù không còn HĐND cấp quận, phường, đồng thời rút ngắn được thời gian quyết định công việc vì khi đó UBND cấp quận sẽ được phân cấp.
Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, thừa nhận có tình trạng Ủy ban MTTQ giám sát và gửi kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước nhưng các cơ quan này phản hồi chậm và chưa đầy đủ. Bà Châu cho biết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI vừa qua đã thông qua đề án “MTTQ VN TPHCM và nhân dân giám sát Đảng và chính quyền TPHCM”. Đề án này là một bước chuẩn bị cho nghị quyết về chính quyền đô thị tại TPHCM mà Quốc hội vừa thông qua. Bà Châu khẳng định sẽ có chỉ thị, hướng dẫn để công tác giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ VN các cấp được đẩy mạnh hơn, nhất là khi không có HĐND quận và phường.
Cần tạo ra cơ chế đủ tốt để giám sát Theo TS Trần Quang Thắng, từ ngày 1.7.2021, khi TPHCM không tổ chức HĐND cấp quận và phường, vai trò giám sát của người dân vẫn sẽ được đảm bảo nếu như TPHCM tạo ra cơ chế đủ tốt, đủ mạnh để Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị khác giám sát chính quyền. “Cơ quan chính quyền phải công khai, minh bạch để giảm thiểu các vụ việc tiêu cực, nhũng nhiễu; đồng thời quy định chế tài xử lý các trường hợp không hợp tác với cơ quan giám sát” - ông Thắng nói. |
Sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu cấp quận, phường Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM, khi không tổ chức HĐND cấp quận và phường, đơn vị chịu trách nhiệm trước các vấn đề của người dân không phải là HĐND nữa mà là UBND phường, UBND quận. Trường hợp thực hiện tốt nhiệm vụ thì được biểu dương, khen thưởng. Nếu làm không tốt mà đã được nhắc nhở thì xem xét trách nhiệm người đứng đầu và có thể HĐND TPHCM xem xét thay thế. Cụ thể, nghị quyết của Quốc hội quy định, HĐND TPHCM sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND TPHCM đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND TPHCM trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND TP đề nghị Chủ tịch UBND TP xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Ngoài ra, đại biểu HĐND có quyền chất vấn chủ tịch UBND quận, chánh án TAND quận, viện trưởng VKSND quận. |