LDO - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận, giải quyết cấp lại 2.277 thẻ Bảo hiểm y tế do hỏng, mất trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh minh hoạ Hải Nguyễn.
Thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh minh hoạ Hải Nguyễn.

Trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp nhận trên 220 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Các phản ánh tập trung vào một số nội dung như vướng mắc trong thực hiện thanh toán gia hạn trực tuyến thẻ Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động do dịch COVID-19...

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận, giải quyết cấp lại 2.277 thẻ Bảo hiểm y tế do hỏng, mất trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đơn vị cũng tiếp nhận thanh toán trực tuyến, thực hiện gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (2.533 trường hợp), đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyện (796 trường hợp) và đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp (69 trường hợp) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, tiếp nhận, xử lý 899 hồ sơ (317 hồ sơ hợp lệ, 582 hồ sơ không hợp lệ) đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19.

Bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn một số tồn tại như: Quy trình thanh toán trực tuyến “Đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp” (dành cho đơn vị sử dụng lao động) được xây dựng tương tự như quy trình thanh toán trực tuyến “Đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyện” (dành cho cá nhân), nên trong quá trình thực hiện còn có vướng mắc.

Để thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến “Đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp” thì tại giao diện của ngân hàng/trung gian thanh toán phải sử dụng tài khoản của Giám đốc (chủ tài khoản) doanh nghiệp để đăng nhập và thực hiện giao dịch, hoặc Giám đốc phải thực hiện thủ tục ủy quyền cho kế toán viên thì mới thực hiện thanh toán được.

Hiện nay, mới chỉ có một số ngân hàng hỗ trợ ủy quyền thanh toán DVC trên giao diện internet banking/mobile banking.

Để khắc phục những khó khăn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất Hoàn thiện mô-đun tra soát, quản lý luồng tiền từ khi người dân/doanh nghiệp thực hiện thanh toán cho đến khi tiền được chuyển đến đơn vị cung cấp dịch vụ công để đảm bảo quản lý chặt chẽ, nắm bắt kịp thời thông tin, phục vụ người dân/doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Chỉ đạo đơn vị triển khai xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, các ngân hàng/trung gian thanh toán phối hợp với các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện quy trình thanh toán trực tuyến dành cho đơn vị/doanh nghiệp....