SGGPO - Thủ đoạn lợi dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 để chống phá cách mạng nước ta là mối nguy hại thực sự, gây ra nhiều khó khăn và tạo lực cản lớn để Việt Nam tiếp cận và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác
Như đã nêu trong bài Nhận diện những thủ đoạn lợi dụng chống phá của các thế lực thù địch, những thủ đoạn lợi dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của các thế lực thù địch đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp trong bối cảnh hiện nay.
Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức sâu sắc và tiến hành đồng bộ các giải pháp đấu tranh kịp thời, hiệu quả.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức của mọi tổ chức, lực lượng trong cuộc đấu tranh này.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đưa lại cho mỗi người dân được hưởng thụ các sản phẩm vật chất và tinh thần của nhân loại với chi phí rẻ hơn, tiện nghi và phong phú hơn. Nó cũng làm cho con người rất dễ rơi vào tình trạng không phân biệt được cái đúng và cái sai; cái tốt và cái xấu; cái thực và cái hư; khó phân biệt quan điểm đúng đắn với quan điểm sai trái, xuyên tạc... Do vậy, công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng phải tạo ra được nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thống nhất trong mỗi tổ chức, cá nhân về âm mưu, thủ đoạn lợi dụng cuộc Cách mạng này để chống phá cách mạng nước ta; tuyệt đối không mơ hồ, ảo tưởng, mất cảnh giác.
Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xác định: tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, nhưng không chủ quan, nóng vội, duy ý chí.
Vì vậy, cần khắc phục triệt để các biểu hiện giản đơn khi cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ thuần túy là vấn đề khoa học và công nghệ hiện đại, không liên quan đến vấn đề chính trị nên không tác động, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn lợi dụng cuộc cách mạng này để chống phá cách mạng Việt Nam.
Mặt khác, phải nhận thức rõ cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng cuộc cách mạng này để chống phá cách mạng nước ta hiện nay của các thế lực thù địch là vấn đề rất khó khăn và phức tạp. Điều đó, trực tiếp liên quan đến sự mất còn của chế độ, vận mệnh của dân tộc nên cần phải được lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ trên cơ sở nhận thức đầy đủ, sâu sắc của mọi tổ chức, lực lượng.
Chỉ có nhận thức đúng mới có thái độ và trách nhiệm cao trong tham gia cuộc đấu tranh với những thủ đoạn lợi dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 để chống phá cách mạng nước ta hiện nay. Từ đó, mới bảo đảm cho nhiệm vụ này được tiến hành một cách chủ động, tích cực, có hiệu quả và khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch
Thứ hai, tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho lực lượng chuyên trách đấu tranh chống địch lợi dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 để chống phá cách mạng nước ta. Đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 để chống phá cách mạng Việt Nam là một bộ phận quan trọng hợp thành cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay.
Tham gia cuộc đấu tranh này là trách nhiệm chính trị của các cấp, các ngành, không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng ai. Trong khi đó, điều kiện, khả năng thu thập, xử lý thông tin và kỹ năng sử dụng, làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta còn hạn chế.
Vì vậy, để giữ thế chủ động, đấu tranh kịp thời, có chất lượng và hiệu quả, đòi hỏi phải xây dựng được lực lượng chuyên trách, có năng lực chuyên môn, trình độ về mọi mặt để giữ vai trò nòng cốt, xung kích trong cuộc đấu tranh này. Thực tiễn đã chứng minh, lực lượng chuyên trách cũng như bất kỳ cá nhân, tổ chức, lực lượng nào cũng đều không thể đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm, tư tưởng, lý luận sai trái với một bản lĩnh chính trị hèn yếu, một nền tảng lý luận nghèo nàn, một hệ thống tri thức không đầy đủ, trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin yếu kém, ít am hiểu những vấn đề thực tiễn xã hội đang diễn ra...
Vì vậy, vấn đề vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài là cần phải bồi dưỡng lực lượng chuyên trách trong đấu tranh tư tưởng, lý luận một cách toàn diện để họ trở thành những người có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, trình độ, tư duy, lý luận cao, có phương pháp luận nhạy bén, sắc sảo, am hiểu thời cuộc; mục tiêu xa hơn là trở thành những “chuyên gia” giỏi về lý luận, những cây “bút chiến” sắc bén.
Trong đó, chú trọng bồi dưỡng chuyên biệt cho lực lượng này, bảo đảm cho họ thành thạo về công nghệ thông tin, làm chủ các phương tiện kỹ thuật hiện đại, sử dụng tốt ngoại ngữ để thu thập, tiếp nhận và xử lý nhanh chóng các thông tin, các tình huống đặt ra.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các chính sách và khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đấu tranh. Đấu tranh với thủ đoạn lợi dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 để chống phá Đảng và Nhà nước ta, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là một cuộc chiến rất cam go, nhạy cảm và phức tạp; liên quan đến cả “sinh mệnh chính trị” của người tham gia đấu tranh.
Điều đó đặt ra và đòi hỏi phải xây dựng và thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, cách thức tổ chức, bảo đảm phát huy cao nhất ý thức, trách nhiệm chính trị của mỗi cá nhân, tổ chức để họ tham gia tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh đầy cam go này.
Trong đó, cần quan tâm chính sách đãi ngộ thỏa đáng, tạo điều kiện về mọi mặt, cả về bảo vệ chính trị, bảo vệ “sinh mệnh chính trị” của những người tham gia; chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ, nhiều chiều và có định hướng đúng để phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch. Đồng thời, tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức và từng cá nhân trong sử dụng mạng xã hội; thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, triệt để Luật An ninh mạng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để nhận diện, ngăn chặn, bóc gỡ các thông tin, tài liệu có nội dung phản động do các thế lực thù địch tuyên truyền, tán phát trên không gian mạng.
Cơ quan chức năng các cấp cần quản lý chặt chẽ, đúng quy định việc truy cập, khai thác thông tin trên mạng xã hội, internet và phòng, chống việc lộ lọt thông tin bí mật nhà nước, bí mật quân sự mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để chống phá, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước.