LDO - Sử dụng cổng thanh toán quốc tế đã trở thành thói quen và một phần không thể thiếu trong hoạt động tài chính của rất nhiều người, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, phía sau sự tiện lợi của những cổng thanh toán này là hàng loạt rủi ro tiềm tàng với người sử dụng. Không những vậy, giao dịch qua cổng thanh toán quốc tế cũng đặt ra bài toán nan giải cho việc truy vết để quản lý của cơ quan chức năng.
Bùng nổ cổng thanh toán quốc tế
Anh Nguyễn Đức Lam (39 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là chủ một doanh nghiệp chuyên về đồ dùng du lịch, dã ngoại. Sản phẩm của công ty anh hầu hết nhập từ nước ngoài, mua trên sàn thương mại điện tử eBay. Để xử lý các đơn hàng này, công cụ không thể thiếu với anh Lam là Paypal - một cổng thanh toán quốc tế phổ biến hàng đầu hiện nay. Paypal giúp anh Lam nhận và chuyển tiền tới đối tác quốc tế của mình một cách nhanh chóng và tiện lợi.
“Tùy vào lượng khách mà mỗi tháng tôi dùng Paypal để chuyển từ 50 - 70 triệu đồng cho bên bán ở nước ngoài.
Nó cũng giống dạng ví điện tử ở mình, cho phép thêm tài khoản ngân hàng, thẻ visa của mình vào đó rồi chuyển tiền thôi. Tiện lắm, chỉ cần nhập tài khoản Paypal, chính là email khi đăng ký của bên nhận là chuyển được” - anh Lam cho biết.
Hoạt động sử dụng cổng thanh toán quốc tế ngày càng trở nên rộng rãi. Bởi chúng cung cấp cho người dùng một công cụ đặc hữu trong thanh toán, cho phép chuyển và nhận tiền xuyên quốc gia thông qua mạng internet. Một số cổng thanh toán quốc tế phổ biến đang được sử dụng tại Việt Nam có thể kể tới như Paypal, Payoneer, Skrill, WebMoney,...
Theo khảo sát của PV, việc đăng ký các cổng thanh toán này hết sức dễ dàng, nhanh chóng. Người sử dụng khi lập tài khoản chỉ cần cung cấp địa chỉ email, một số thông tin cá nhân cơ bản, thẻ tín dụng,... là có thể thực hiện giao dịch chuyển và nhận tiền. Chỉ tính riêng với Paypal, cổng thanh toán này cho phép một địa chỉ email có thể thanh toán xuyên biên giới, quy đổi trên 25 loại tiền khác nhau và tại bất cứ nơi đâu.
Tại Việt Nam, bên cạnh mục đích trả tiền khi mua bán trên các sàn thương mại quốc tế như eBay, Amazon,... việc sử dụng cổng thành toán diễn ra đa dạng trên nhiều lĩnh vực, cả với việc nhận việc nhận và chuyển tiền như: Các nhà sáng tạo nhận doanh thu từ Google, Facebook; nạp tiền cho các nền tảng mạng xã hội để chạy quảng cáo hay mua bán tài khoản dịch vụ OTT như Spotify, Netflix,...
Khó kiểm soát, nhiều nguy cơ
Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng đến nay, các cổng trung gian thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer,... vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Điều này đồng nghĩa, các giao dịch trên cổng thanh toán này không được cơ quan nhà nước bảo hộ. Hơn nữa, vì là cổng thanh toán quốc tế nên việc truy thuế đối với các giao dịch này hiện vẫn còn hết sức gian nan.
Anh H.V (25 tuổi, TPHCM) hiện sở hữu 3 kênh Youtube với doanh thu lên tới hơn 150 triệu đồng/tháng, có những tháng cao điểm, con số thu về gấp nhiều lần. “Tôi không nhận trực tiếp nguồn tiền từ YouTube mà có một đối tác tin cậy ở Châu Âu nhận thay rồi chuyển lại cho tôi như người thân, bạn bè chuyển khoản thông thường” - anh H.V. kể.
Việc chuyển tiền có tính chất cá nhân như trên ở một số cổng thanh toán là hoàn toàn miễn phí và tức thời. Theo Youtuber này cho biết, trong giới kiếm tiền trên Facebook, YouTube hay các nền tảng nước ngoài, có một lượng lớn nhận tiền doanh thu thông qua ví Paypal, ví Payoneer và sau đó không kê khai để đóng thuế.
Chỉ những cá nhân làm việc với các mạng đa kênh của Việt Nam như Pops, Điền Quân, Metub,... thì mới được hỗ trợ khấu trừ thuế còn không phụ thuộc nhiều vào sự tự giác.
Như vậy, theo anh H.V chia sẻ, anh chỉ tốn 3% phí hoa hồng cho đối tác nhận tiền ở châu Âu, thay vì 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân theo quy định đối với cá nhân có thu nhập từ kinh doanh trên 100 triệu đồng/năm.
Không những vậy, cổng thanh toán quốc tế còn có thể trở thành nơi trung chuyển của những nguồn tiền không rõ nguồn gốc, bất hợp pháp.
Trong các hội nhóm kiếm tiền online, hàng loạt các website, ứng dụng ẩn danh mọc lên, bán các gói nhiệm vụ như đào kim cương, đào vàng, like video trên Tiktok, quảng cáo có thể thu nhập từ hàng chục triệu mỗi tháng và hàng trăm triệu mỗi năm, cho phép người chơi nạp rút tiền ngay về tài khoản Paypal, Payoneer,... Dòng tiền được luân chuyên liên tục trong các game, ứng dụng ẩn danh như vậy và chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống rơi vào tình trạng không thể truy cập.
Ngoài ra, trên các diễn đàn công nghệ, tình trạng phản ánh bị lừa đảo qua cổng thanh toán quốc tế diễn ra thường xuyên. Mới đây, một người dùng có tên Sơn Lê đã đăng tải lên nhóm kín có tên “Cộng đồng Kiếm tiền Paypal" phản ánh về việc anh giao dịch qua Paypal với một người dùng sử dụng thẻ visa lậu.
“Do có một vài tình tiết nghi ngờ nên tôi có điều tra mới phát hiện là họ dùng thẻ Visa gian lận. Giờ không biết Paypal có khóa tài khoản hay rút lại số tiền họ đã thanh toán cho tôi. Nếu họ thu hồi thì mình mất cả hàng cả tiền” - nick Sơn Lê viết.
Những kẽ hở của cổng thanh toán quốc tế còn được ghi nhận khi có cả một thị trường chợ đen để lách luật, lách các chính sách về tỷ giá và lách cả sự quản lý của cơ quan chức năng. Phóng viên Lao Động đã chứng kiến những cuộc trao đổi ngoại tệ, những giao dịch không vết dấu từ nhóm kín đến đời thực, diễn ra một cách vô cùng ngang nhiên, dễ dàng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Phạm Nguyễn Anh Huy - Khoa Kinh doanh và Quản trị (Đại học RMIT) cho biết, dù khó khăn nhưng vẫn có thể kiểm soát các hoạt động giao dịch qua cổng trung gian thanh toán nếu cơ quan chức năng truy vết tới cùng.
“Ở Việt Nam, như hiện tại, một số cổng thanh toán yêu cầu khi đăng ký phải nhập thông tin tài khoản ngân hàng. Từ đó, khi có dấu hiệu bất thường, cơ quan chức năng kiểm tra thì có thể biết được ai là người đăng ký tài khoản đó. Dòng tiền có thể luân chuyển nhưng hoàn toàn truy vết được” - TS Phạm Nguyễn Anh Huy cho biết.
Chuyên gia tài chính này cũng nhấn mạnh, từ cổng thanh toán quốc tế có thể trở thành công cụ cho hành vi phạm tội, đặc biệt là rửa tiền. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan chức năng.