(Vietnam+) - Các tác phẩm tại cuộc thi cho thấy, mái trường và các thầy cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân.
Sau một năm phát động, Cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2020 đã tiếp nhận hơn 80.000 bài viết của tất cả các tác giả trên toàn quốc.
Cuộc thi có sức sống lan toả mạnh mẽ trong nhà trường và xã hội, nhận được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân.
Ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại đã nhấn mạnh như vậy tại buổi Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2020, diễn ra sáng 17/12 tại Hà Nội.
Cuộc thi Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức hàng năm, nhằm ghi nhận và tôn vinh các nhà giáo có tình cảm, việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; Ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học và giáo dục học sinh…
Được tổ chức lần đầu vào năm 2018, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy cô, học sinh, sinh viên trên cả nước với nhiều tác phẩm chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay cuộc thi cho thấy, mái trường và các thầy giáo, cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân. Đây là sự động viên to lớn, tạo động lực cho ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong công việc nhiều vinh quang, nhưng cũng đẩy thử thách. Đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, giáo dục đào tạo đang đứng trước yêu cầu mới, càng đòi hỏi cao hơn về năng lực, nhân cách đội ngũ. Để hoàn thành trọng trách to lớn này, bên cạnh những chính sách tạo động lực, sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, rất cần có sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của toàn xã hội. Cũng bởi vậy, kết quả cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” và những hình ảnh đẹp về thầy cô, mái trường được phản ánh trong các tác phẩm dự thi cần được nhân rộng lan tỏa hơn nữa.
Ông Triệu Ngọc Lâm cho hay Ban tổ chức đã lựa chọn và trao 16 giải, trong đó có 2 giải tập thể và 14 giải cá nhân (có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích).
Tác phẩm “Cô Hiền” của tác giả Phan Thị Thu Trang (Hà Nội) đã đoạt giải Nhất cuộc thi. Trong tác phẩm, có lẽ ai cũng có thể tìm thấy hình ảnh của mình trong đó bởi không ai không trải qua những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Như lời tựa tác giả nhắn gửi ngay đầu tác phẩm, là những trò nghịch ngợm “bá đạo” nhưng cũng rất đỗi hồn nhiên với bao ký ức hiện lên trong từng con chữ mà tác giả muốn gửi gắm.
“Những mẩu chuyện đẹp đẽ về tháng ngày quàng khăn đỏ, đến giờ, khi chúng tôi buộc mình vào những nỗi lo cơm áo gạo tiền; những hợp đồng, hoá đơn, sổ sách, bận tâm gây dựng các mối quan hệ và giao tiếp xã hội… không thể quên được cái thời bao cấp trong sáng ấy. Nên tất cả những kỷ niệm vụn vặt này xin dành tặng cho cô – cô Hiền, một người thầy, người truyền lửa, người bạn, người đồng hành và sau tất cả, cô như một người mẹ thứ hai của tập thể lớp G.”
Tác phẩm “Ánh sáng cuối con đường” của tác giả Trần Thị Thanh Tân (Thái Nguyên) đoạt giải Nhì. Tác phẩm viết về cô giáo giàu lòng nhân ái Trần Minh Hoà đã truyền lửa nhiệt huyết và lòng yêu thương cho bao thế hệ học trò, trong đó có tác giả. Ngọn lửa ấy vẫn cháy mãi để cô giáo Tân hôm nay tiếp tục nắm tay các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn của quê hương đến tương lai tươi sáng.
Theo đại diện Ban tổ chức, còn rất nhiều những tấm gương, câu chuyện cảm động về thầy cô và mái trường được gửi gắm trong tác phẩm. Đó là tâm tình, yêu thương lan toả và năng lượng tích cực mà cuộc thi mong muốn mang đến cho tất cả những ai đã và đang ngồi trên ghế nhà trường.
Nhiều tác phẩm được trình bày đặc biệt, như tác giả Võ Tá Hùng Dũng, học sinh lớp 6/5 Trường Trung học cơ sở Lê Văn Thiêm (thành phố Hà Tĩnh) hồi ức về quãng thời gian học tiểu học với hơn 100 trang là những câu chuyện, kỷ niệm và hình ảnh thời tiểu học được trân trọng lưa giữ minh hoạ trong tác phẩm dự thi.
Tác giả Hoàng Mai Linh học sinh lớp 11A6 Trường Trung học phổ thông Cẩm Phả (Quảng Ninh) thiết kế cả giá gỗ khắc họa hình ảnh thầy cô và con thuyền để minh hoạ cho bài dự thi./.
Các tác phẩm đoạt giải cuộc thi: Giải tập thể: 1. Tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội 2. Tập thể có số lượng bài dự thi đông và đạt chất lượng tốt: Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ Giải cá nhân: Giải Nhất: Tác phẩm “Cô Hiền” của tác giả Phan Thị Thu Trang, Giảng viên Khoa Khoa học xã hội nhân văn & Tâm lý, Học viện Chính trị Công an nhân dân. Giải Nhì: Tác phẩm “Chuyện của Khuê” của tác giả Phạm Lương Thiện - Giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Hải Dương và tác phẩm “Ánh sáng cuối con đường” của tác giả Trần Thị Thanh Tân - Giáo viên Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. |