LDO - Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu yêu cầu tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh với quan điểm sai trái

Yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu rõ, cần tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo tinh thần khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Dự thảo báo cáo chính trị cũng nêu rõ yêu cầu tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Thực tế cho thấy, mục đích chống phá Đảng ta của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận qua các thời kỳ ngày càng có nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, dựa trên thế mạnh của không gian mạng, hoạt động truyền thông được các thế lực thù địch tận dụng triệt để, tạo nên sự hỗn loạn, nhiễu loạn thông tin trong xã hội với mưu toan làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta dao động về tư tưởng, mất phương hướng về chính trị để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trao đổi với PV Lao Động, đại tá, TS Nguyễn Hữu Lập, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, cho hay, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là công việc rất quan trọng và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đối với việc tiếp nhận thông tin, trước hết, cán bộ, đảng viên phải là người có phẩm chất, tư tưởng chính trị vững vàng, không bị dao động trước những thông tin thiếu căn cứ của các thế lực thù địch, những thông tin mang tính chất kích động, chia rẽ từ mạng xã hội và các trang thông tin thiếu căn cứ.

Sàng lọc những thông tin xấu, độc trên mạng

Theo TS Nguyễn Hữu Lập, cán bộ đảng viên phải thường xuyên học tập để nâng cao nhận thức về chủ trương đường lối của Đảng. Đồng thời, phải chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật và điều lệ, quy định của Đảng.

“Từ đó, cán bộ, đảng viên có được niềm tin, nắm rõ bản chất vấn đề, nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng, nắm chắc tính khoa học của vấn đề và tránh để những thông tin suy diễn. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên sẽ phát huy được vai trò của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng” - đại tá, TS Nguyễn Hữu Lập nói.

Cũng theo TS Nguyễn Hữu Lập, các cơ quan chức năng cũng nên có các biện pháp kỹ thuật để sàng lọc những thông tin xấu, thông tin độc hại, thông tin thiếu chính xác xuất hiện trên môi trường mạng. Với những trường hợp người dùng cố tình chia sẻ, đưa những thông tin thất thiệt, những tin gây ảnh hưởng thì cần phải có xử lý.

Đối với người dùng mạng xã hội thì trước hết cần phải có ý thức trong tiếp cận thông tin. Cần phải nhận biết được những trang thông tin chính thống. Người dùng thông minh sẽ biết được đâu là thông tin thật, thông tin giả. Từ đó có thái độ ứng xử cho phù hợp. Khi không tin, không tương tác với những thông tin xấu, thông tin độc thì những tin tức nếu có xuất hiện cũng sẽ bị trôi đi.

Định danh người dùng trên mạng xã hội

Liên quan đến mạng xã hội, trả lời chất vấn về vấn nạn tin giả ở môi trường này tại Kỳ họp 10, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Tin sai và tin giả đang là vấn nạn toàn cầu. Tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới, mà chủ yếu là Facebook và Youtube.

“Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy, các nền tảng nội dung xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Thời gian qua, Bộ xác định, làm sạch không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và làm rất quyết liệt”, Bộ trưởng trả lời.

Về công cụ quản lý, Bộ trưởng cho biết, đã xây dựng và hoàn thành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có năng lực xử lý mỗi ngày 300 triệu tin, có thể phân tích, đánh giá, phân loại, phát hiện sớm và cũng đã hình thành các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin xấu độc.

Bộ trưởng nêu rõ, đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và Youtube. Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của Youtube tăng từ 50% lên 90%. Năm 2020, số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook tăng 30 lần và trên Youtube tăng 8 lần so với năm 2017.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục sửa các quy định của pháp luật có liên quan về mạng xã hội và tin giả. Đồng thời, Bộ sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội.