(CLO) Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Báo Đại Đoàn Kết, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện “Trưng bày và ra mắt phim Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa”.

Tờ báo đặc biệt của lịch sử báo chí cách mạnh Việt Nam

Báo Giải phóng, trực thuộc cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ra đời để cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam và cả nước, đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ và đúng cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tổng biên tập đầu tiên của báo Giải phóng là nhà báo Trần Phong (Kỳ Phương), nguyên Tổng biên tập báo Cứu Quốc, một cán bộ miền Nam tập kết được điều trở lại chiến trường bằng đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Các đại biểu tham dự lễ Trưng bày và ra mắt bộ phim tư liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa”. Ảnh: Sơn Hải

Các đại biểu tham dự lễ Trưng bày và ra mắt bộ phim tư liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa”. Ảnh: Sơn Hải

Sau đó hai nhà báo của báo Cứu Quốc là Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) và Thái Duy (Trần Đình Vân) hành quân theo đường Trường Sơn vào tới vùng căn cứ Tây Ninh để tham gia làm báo Giải Phóng ngay từ thời kỳ đầu. Những năm sau, lần lượt đến với Báo Giải phóng là những nhà báo từ mọi miền đất nước. Cùng với họ, các thủ lĩnh báo Giải Phóng tiếp theo như: Nhà báo Thép Mới, Bùi Kinh Lăng, Nguyễn Huy Khánh, qua các giai đoạn khác nhau của cách mạng miền Nam đã làm nên lịch sử đặc biệt của một tờ báo vô cùng gian khổ và vinh quang trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Ra mắt bộ phim tư liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa”. Ảnh: Sơn Hải

Ra mắt bộ phim tư liệu “Giải phóng - tờ báo trên tuyến lửa”. Ảnh: Sơn Hải

Trong cuộc đối đầu với công nghệ thông tin hiện đại của phương Tây và Sài gòn, cùng với Thông tấn xã và Đài phát thanh giải phóng, báo Quân Giải phóng, tờ báo in trong rừng mang tên Giải Phóng đã kiên cường trụ vững để cất lên tiếng nói về cuộc chiến đấu chính nghĩa chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Nam.

Nhà báo Trần KIm Hoa - Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam tặng hoa chúc mừng các nhà báo lão thành Báo Giải Phóng. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Trần KIm Hoa - Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam tặng hoa chúc mừng các nhà báo lão thành Báo Giải Phóng. Ảnh: Sơn Hải

Dựa vào những tư liệu, hình ảnh, hiện vật mà Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã thu thập được, cùng với những tư liệu, ghi chép, ký ức của những người trong cuộc, bộ phim đã kể với chúng ta nhiều câu chuyện thú vị về sự khốc liệt, sự hy sinh mất mát ở chiến trường, cuộc sống gian khổ ở nơi mà mỗi nhà báo đều là chiến sỹ. Trong 12 năm cầm bút và cầm súng, những người làm báo Giải Phóng đã cho ra đời 375 số báo trong 10 năm kháng chiến và 412 số Nhật báo Giải Phóng tại Sài gòn cho đến ngày tờ báo hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Đối với Bộ phim “Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa”, đây là bộ phim đã hoàn thành đúng dịp chào mừng Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025); Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam; Kỷ niệm 56 năm Báo Giải Phóng ra số đầu (20/12/1964 – 20/12/2020). Phim có nhiều tư liệu và sự kiện được công bố lần đầu. Gồm những mốc son lịch sử ra đời của tờ Giải Phóng và hoạt động của tờ báo trên khắp các chiến trường, qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng miền Nam và cả nước.

Một bộ phim tư liệu đầu tiên về báo Giải phóng được thực hiện, là kết quả của sự gặp gỡ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam và những nhà báo, nhà làm phim với tâm huyết và trách nhiệm đối với lịch sử đất nước, dân tộc, trong đó có lịch sử báo chí Việt Nam.

Một số hiện vật của phóng viên Báo Giải phóng giai đoạn 1964-1975.

Một số hiện vật của phóng viên Báo Giải phóng giai đoạn 1964-1975.

Các tư liệu, ấn phẩm của nhiều phóng viên Báo Giải phóng trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Các tư liệu, ấn phẩm của nhiều phóng viên Báo Giải phóng trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

“Không ai, không điều gì bị quên lãng”, bằng những ký ức được tập hợp, lưu giữ và khai thác của chính những người trong cuộc, “Giải phóng - Tờ báo trên tuyến lửa” bước đầu đã kể được với công chúng hôm nay câu chuyện về một tờ báo làm nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình hơn 40 năm qua.

Phim còn nhằm phục vụ công chúng đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phục vụ các nhà nghiên cứu lịch sử và sinh viên báo chí trong quá trình tiếp cận, tìm hiểu về lịch sử báo chí Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu sau khi đất nước được thống nhất.

Làm nên những chiến công đầy tự hào của những người làm báo cách mạng

Báo Giải phóng ra đời từ năm 1964, trong đó có tờ báo đầu tiên ra đời ngày 20/12/1964 là ngày thành lập của Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam. Những tờ báo đầu tiên đó đến nay đã không còn nữa do những trận bom Mỹ - Ngụy tàn phá. Hiện nay ở các thư viện, các trung tâm lưu trữ có được những tờ báo từ năm 1969 cho đến năm 1977. Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay là nơi có nhiều tờ báo giải phóng nhất, có hơn 500 tờ, những tờ báo trước năm 1969 chỉ có một số bản in, một số bản cắt dán.

Nhà báo Trần Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Trần Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu tại buổi trưng bày nhà báo Trần Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: Những cán bộ phóng viên Báo Giải phóng là biểu tượng của những nhà báo chiến trường. Bảo tàng Báo chí Việt Nam vinh dự được tổ chức sự kiện này để tri ân về những người làm nên một tờ báo có nhiều đóng góp to lớn trong chiến tranh chống Mỹ.

“Buổi trưng bày còn nhằm tôn vinh những nhà báo đặt dấu chân đầu tiên, những nhà báo chiến sỹ đi những bước chân đầu tiên của mình trên cánh rừng Tây Ninh, những khu vực biên giới Campuchia. Tờ báo ra đời trong rừng nhưng lại đến được với bạn bè năm châu. Đây còn là dịp để công chúng biết thêm về những cán bộ phóng viên của báo trước đây đã xông xáo ở khắp các chiến trường miền Nam, tên tuổi các nhà báo không chỉ vang xa trong nước mà còn ở nước ngoài. Nhưng đến nay ít thế hệ trẻ có cơ hội được biết đến”, nhà báo Trần Kim Hoa chia sẻ.

Nhà báo Trần Kim Hoa cho biết thêm: Ngoài những bài báo, Bảo tàng còn tiếp nhận các tư liệu hiện vật quý, hiện nay được các nhà báo trao cho bảo tàng quản lý và khai thác giá trị. Buổi trưng bày chuyên đề là dịp để tái hiện lại phần nào hình ảnh, những tác phẩm, những gương mặt báo chí gắn liền với tờ báo của Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam những năm 1960 – 1970.

Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi và lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam trao hoa và quà lưu niệm cho các nhà báo lão thành. Ảnh: Sơn Hải

Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi và lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam trao hoa và quà lưu niệm cho các nhà báo lão thành. Ảnh: Sơn Hải

Phát biểu tại buổi trưng bày, Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi cho biết: “Buổi trưng bày có những hình ảnh, những bộ phim tài liệu đã cho chúng ta cảm xúc đặc biệt về một tờ báo rất đặc biệt của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Tờ báo ra đời trong khói lửa chiến tranh, đã làm nên những chiến công tự hào của những người làm báo cách mạng. Chúng ta được gặp lại những con người bằng xương bằng thịt, những người đã làm nên tờ báo”.

Đặc biệt hôm nay có nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân) là một nhà báo lão thành, một tấm gương lao động mẫu mực đối với các thế hệ người làm báo ngày hôm nay. Nhà báo Kim Toàn cũng là cây bút đặc biệt, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách có sức lan tỏa lớn, cảm động…và nhiều nhà báo xuất sắc khác.

Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi khẳng định: Để làm nên tờ báo đã có nhiều nhà báo nối tiếp với các thế hệ khác nhau, trong 12 năm những nhà báo vừa cầm súng vừa cầm bút, đã làm nên 375 số báo trong chiến tranh và 412 số báo trong hòa bình. Đó là những số báo thể hiện tinh thần chiến đấu của người làm báo cách mạng Việt Nam. Thể hiện sự dấn thân, tinh thần cống hiến rất đáng tự hào. Qua những thước phim được công bố chúng ta biết thêm những nhà báo đã sống và làm việc ra sao.

Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: “Buổi trưng bày ngày hôm nay là một hoạt động ý nghĩa để chúng ta tiến tới kỷ niệm dịp chào mừng Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025); Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam; Kỷ niệm 56 năm Báo Giải Phóng ra số đầu (20/12/1964 – 20/12/2020)… hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI. Đây là một sự kiện đặc biệt của giới báo chí, ở đó chúng ta cũng sẽ nhắc lại và tôn vinh các thế hệ người làm báo, trong đó có những nhà báo làm báo Giải phóng”.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN cũng đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp tục sưu tầm những tư liệu quý giá về báo Giải phóng để trưng bày đến công chúng và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tôn vinh báo Giải phóng.

LÊ TÂM