Ngay trong năm đại dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, xuất khẩu nhiều nhóm hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh, đẩy thặng dư thương mại của Việt Nam đạt kỷ lục.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh
ẢNH: NG.NGA
11 tháng, thặng dư hơn 20 tỉ USD
Theo Tổng cục Hải quan, thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước tính hết tháng 11 đạt 20,06 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 490 tỉ USD, tăng 3,6% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 255 tỉ USD (tăng 5,5%, tương ứng 13,23 tỉ USD) và nhập khẩu đạt gần 235 tỉ USD (tăng 1,7%, tương ứng 3,93 tỉ USD).
Trước đó, Bộ Công thương cũng dự báo năm 2020 sẽ là năm thứ 5 xuất siêu liên tiếp của Việt Nam. Thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước năm 2020 ước đạt khoảng 7 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu khoảng 267 tỉ USD và nhập khẩu đạt 260 tỉ USD.
Như vậy, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), cho rằng những đơn hàng xuất khẩu khẩu trang trị giá hàng triệu USD sang châu Âu và Mỹ có thể phần nào lý giải điều này. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng qua, xuất siêu của Việt Nam chủ yếu vào các thị trường châu Mỹ, châu Âu. Cụ thể, xuất siêu sang châu Mỹ đạt trên 61 tỉ USD, trong đó xuất siêu với thị trường Mỹ gần 57 tỉ USD; sang châu Âu hơn 23,5 tỉ USD, trong đó riêng khối EU xuất siêu chiếm 22,65 tỉ USD.
Nhìn vào rổ các mặt hàng xuất khẩu chính, trong 11 tháng qua, có không ít nhóm hàng xuất khẩu vốn là chủ lực của Việt Nam, nhưng do ảnh hưởng Covid-19, đã giảm sút mạnh như: dệt may giảm gần 10%, điện thoại và linh kiện giảm 4%, giày dép giảm 9%... Tuy nhiên, có nhiều nhóm hàng xuất khẩu tăng vọt nâng tổng trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 5,5%, đẩy thặng dư thương mại lên cao.
Đặc biệt, với nhóm hàng xuất khẩu điện thoại và linh kiện, trong khi các nước đều giảm, 11 tháng qua, xuất sang Trung Quốc tăng vọt lên gần 40%, đạt 10,3 tỉ USD. Hay như nhóm hàng vi tính, sản phẩm điện tử xuất và linh kiện xuất sang Trung Quốc cũng tăng hơn 19%, đạt trên 10 tỉ USD; sang Mỹ đạt 9,4 tỉ USD, tăng mạnh 75%; sang EU (28 nước) đạt 5,83 tỉ USD, tăng 24,6%; sang Hồng Kông đạt 3,61 tỉ USD, tăng 33,3%...
Nhóm hàng xuất khẩu thứ 3 tăng là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, 11 tháng qua, xuất sang Mỹ tăng 134% với 10,58 tỉ USD; sang EU tăng gần 28% với 3,13 tỉ USD; sang Hàn Quốc tăng 29% với 1,88 tỉ USD; sang Trung Quốc tăng 22,5% với 1,73 tỉ USD. Nhóm hàng thứ 4 là gỗ và sản phẩm gỗ xuất sang Mỹ cũng tăng 34% với 6,37 tỉ USD, sang Trung Quốc đạt trên 1 tỉ USD, tăng 3,8%... Đáng lưu ý, trong 11 tháng, hải quan cũng ghi nhận xuất siêu trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu lên đến 31,42 tỉ USD.
Cẩn trọng các nhóm hàng tăng “nóng”
Ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị, cho rằng việc Việt Nam xuất siêu con số ấn tượng ngay trong năm thế giới “điên đảo” vì Covid-19 là điều rất tốt mà không phải quốc gia nào cũng đạt được. Đặc biệt, do dịch khiến chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, nhiều quốc gia bị gián đoạn sản xuất. Thế nhưng, xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng và đáng trân trọng hơn là xuất siêu con số kỷ lục.
Nguồn: Tổng cục Hải quan ĐỒ HỌA: HỒNG SƠN |
Tuy nhiên, ông nói thẳng: “Các nhóm hàng giúp thặng dư thương mại tăng cao đều là hàng Việt Nam làm gia công như điện thoại, linh kiện, nội thất… Thế nên, giá trị gia tăng thực sự chúng ta thu về có thể không đúng với các con số thống kê. Hoặc giả sử cho rằng, xuất siêu nhờ bán khẩu trang, thiết bị phòng vệ y tế chống dịch sang châu Âu và châu Mỹ, thì con số xuất siêu cũng rất bấp bênh và ngắn hạn. Vì vậy, chúng ta có quyền hân hoan với con số xuất siêu trong năm đại dịch, nhưng cần vui trong tỉnh táo. Bởi nguy cơ bị điều tra do nước khác sử dụng làm “bàn đạp” xuất hàng đi nước thứ 3”.
“Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ cần cẩn trọng, bởi Việt Nam vốn không phải là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu gỗ trước đây. Sau nhờ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực gia công, chế biến giúp nâng trị giá xuất khẩu gỗ lên cao. Thế nhưng việc mua nguyên liệu sản xuất, hoặc cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài vào không phải sản xuất mà chỉ làm công đoạn cuối để xuất khẩu, sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành này khi bị điều tra”, ông Hòa khuyến cáo.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bổ sung rằng thặng dư thương mại đồng nghĩa tăng nguồn ngoại tệ về cho quốc gia song cần phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, nằm bắt được số liệu nhà máy, nguồn gốc nguyên liệu, cảnh báo thường xuyên đến doanh nghiệp... để tránh những biện pháp trừng phạt liên quan phòng vệ thương mại mà một số nước châu Âu, châu Mỹ đã áp dụng cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Năm nay, Việt Nam tham gia loạt các hiệp định thương mại tự do với EU, Anh, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực... nên thách thức tránh bị áp biện pháp phòng vệ thương mại càng cao hơn.
“Nên nhớ chúng ta đang ở cạnh ông láng giềng vốn đã được coi là “công xưởng thế giới”, mức độ chúng ta bị “soi” sẽ tăng gấp đôi, gấp 3 lần”, vị này nhấn mạnh.