TTO - Sau chuyến bay thử nghiệm thành công vào ngày 8-11-2019, hơn một năm sau, sân bay cấp cứu bằng trực thăng trên nóc tòa nhà Viện chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) chính thức đi vào sử dụng.

Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong hoạt động cấp cứu ngoại viện, đồng thời đưa Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) chính thức trở thành bệnh viện đầu tiên của cả nước có sân bay cấp cứu trực thăng được Bộ Quốc phòng cấp phép hoạt động phục vụ nhu cầu cấp cứu người bệnh.

Để đi đến "sự kiện lịch sử" này, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - nói trước đó sân bay đã được nghiệm thu, bay thử và hội đủ các điều kiện, tiêu chuẩn đưa vào khai thác sử dụng.

Khi đi vào vận hành, ngoài phục vụ vận chuyển cấp cứu cho chiến sĩ và người dân gặp tai nạn ở Trường Sa, sân bay cấp cứu bằng trực thăng của bệnh viện sẽ trở thành điểm phát triển cấp cứu nhanh, hướng đến là Trung tâm cấp cứu đa năng đường bộ - đường thủy - đường không.

Qua đó giải quyết tất cả tình huống, sự cố thảm họa, thiên tai nhằm đảm bảo phục vụ tốt sức khỏe cán bộ, nhân dân TP.HCM, các tỉnh lân cận và trong khu vực.

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - Ảnh 2.

Máy bay trực thăng vận chuyển người bệnh đậu trên nóc Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Quân y 175) sáng 19-12 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - Ảnh 3.

Sân bay trực thăng trên nóc tòa nhà Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện quân y 175 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - Ảnh 4.

Máy bay trực thăng chuẩn bị đáp xuống sân bay - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đánh giá đây là giải pháp tối ưu hóa cho hoạt động cứu hộ cứu nạn, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn dẫn chứng suốt nhiều năm qua, khi có sự cố cần cấp cứu bằng đường không, trực thăng phải đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất trước khi chuyển người bệnh lên xe cứu thương vào bệnh viện.

Dù không quá xa nhưng mất rất nhiều thời gian vận chuyển, nhiều lúc kẹt xe... làm chậm trễ "thời gian vàng" cứu sống người bệnh.

"Nếu trước đây việc chuyển bệnh từ đảo về đất liền bình quân tốn khoảng 3 giờ 30 phút thì vận chuyển trực tiếp có thể giảm tối đa 20 - 30 phút. Việc thiết lập được đường bay riêng là cả một niềm mơ ước nhằm cướp được giờ vàng để cứu sống người bệnh. Đường bay này có mục đích tối thượng, tất cả vì người bệnh, vì người dân", thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn nói.

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - Ảnh 5.

Phi công cấp 1 Phạm Ngọc Hoài trực tiếp điều khiển chuyến bay VN8628 đáp xuống sân bay trực thăng Bệnh viện Quân y 175 sáng 19-12 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - Ảnh 6.

Sân bay trực thăng này đã được nghiệm thu, bay thử, đủ điều kiện, tiêu chuẩn đưa vào khai thác sử dụng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Sơn cho biết thời gian tới đơn vị sẽ sớm hình thành cơ chế, phương thức bay để ngoài việc đảm bảo an ninh quốc phòng còn góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân TP.HCM, các tỉnh và khu vực lân cận và các cán bộ cao cấp được tốt nhất.

Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định việc đưa sân bay cấp cứu bằng trực thăng đi vào hoạt động là một nỗ lực rất lớn từ Bệnh viện Quân y 175.

"Có thêm một phương tiện cấp cứu hiện đại song song với các loại hình cấp cứu khác mang đến rất nhiều kỳ vọng, đó là niềm mơ ước từ xưa tới nay của rất nhiều thế hệ bác sĩ", ông Thượng nói.

Về định hướng tương lai, ông Thượng chia sẻ có thể coi sự kiện này là tiền đề, qua đó có thêm các sân bay cấp cứu bằng trực thăng tại các bệnh viện TP.HCM như Nhân dân 115, Ung bướu, Nhi Đồng TP... để công tác cấp cứu ngày một hiệu quả, ngang tầm khu vực.

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - Ảnh 7.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn tại sân bay - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - Ảnh 8.

Chuyến cấp cứu trực thăng đưa bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 được thực hiện thành công sáng 19-12 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - Ảnh 9.

Việc áp dụng sân bay cấp cứu đường không nhằm rút ngắn thời gian di chuyển bệnh nhân về bệnh viện cấp cứu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sáng 19-12, hai chuyến bay trực thăng vận chuyển hai bệnh nhân cấp cứu (tình huống giả định) đã được Bệnh viện Quân y 175 thực hiện thành công. 

Bệnh nhân sau khi được trực thăng chuyển đến trên nóc Viện Chấn thương chỉnh hình nhanh chóng được đội ngũ y bác sĩ đẩy băng ca xuống khu vực cấp cứu. Tất cả quy trình từ lúc rời khỏi máy bay chỉ mất hơn 5 phút.

Từ các chuyến bay này đã mở ra kỳ vọng về các chuyến bay tiếp theo với mục tiêu tối thượng như thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn khẳng định: "Tất cả vì người bệnh, vì nhân dân".

Sân bay cấp cứu bằng trực thăng đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động - Ảnh 10.

Bệnh nhân nhanh chóng được di chuyển xuống khỏi trực thăng và đưa vào phòng cấp cứu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Được sự quan tâm đầu tư của Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng và Chính phủ, Bệnh viện Quân y 175 triển khai xây dựng dự án Viện Chấn thương chỉnh hình quy mô 500 giường.

Đây là mô hình viện trong bệnh viện và có sân bay, đỗ trực thăng để bảo đảm kịp thời cho công tác cấp cứu, điều trị đối với các ca bệnh nặng, khó, phức tạp từ vùng biển đảo phía nam của Tổ quốc về bệnh viện điều trị.

Bãi đáp trực thăng được đầu tư một hệ thống đèn tín hiệu hiện đại giúp phi công nhận diện bãi đáp từ xa; khu vực điều phối; khu tiếp nhận bệnh nhân, chuyển bệnh bằng thang máy và thang bộ từ nóc tòa nhà xuống khu vực cấp cứu hoặc có thể chuyển đến bất cứ khoa phòng nào trong bệnh viện.

Theo Bệnh viện Quân y 175, trung bình đơn vị phối hợp sư đoàn 370; Quân chủng phòng không - không quân; Binh đoàn 18 cấp cứu vận chuyển bệnh nhân bằng đường không 7 - 10 ca/năm.

Trong đó có những chuyến bay đêm trong tình hình thời tiết phức tạp, có chuyến đón 2 bệnh nhân ở 2 đảo khác nhau.

HOÀNG LỘC