Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) mua máy CT - Scanner 32 lát cắt với giá gần 13 tỉ đồng. Trước thông tin băn khoăn giá máy này cao hơn so với thị trường, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có thông tin phản hồi về vấn đề này.
Máy CT - Scanner 32 với giá gần 13 tỉ đồng?
Theo tài liệu PV Báo Lao Động có được, ngày 26.8.2020, Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TPHCM) đã ký hơp đồng "Cung cấp, lắp đặt thiết bị Hệ thống CT - Scanner 32 lát cắt/vòng" (Hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc cấu hình 32 lát cắt; Model: Somatom go.Now; Hãng sản xuất: Siemens; Xuất xứ hệ thống máy: Đức).
Hợp đồng do ông Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện đứng tên ký với bà Trương Thị Kim Huê, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Lê Minh (trụ sở tại Số 90, ngách 26, ngõ Thái Thịnh II, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội).
Tổng giá trị hợp đồng để mua máy CT - Scanner 32 là 12.680.000.000 đồng (mười hai tỉ, sáu trăm tám mươi triệu đồng). Sau khi ký hợp đồng, Bệnh viện Nhi đồng 2 tạm ứng cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Lê Minh 30% giá trị hợp đồng với số tiền là 3.804.000.000 đồng. Thanh toán 70% giá trị hợp đồng còn lại là 8.875.000.000 đồng, sau khi hai bên đồng ý ký biên bản bàn giao, biên bản nghiệm thu thiết bị và đưa vào sử dụng.
Theo nguồn tin PV Báo Lao Động có được, vào đầu tháng 7.2020, một bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Thái Bình đã khai trương hệ thống máy chụp CT - Scanner 32 lát cắt, cũng của hãng Siemens với Model Somatom go.Now cùng loại, nhưng có giá mua chỉ 7,1 tỉ đồng. Dư luận băn khoăn, việc Bệnh viện Nhi đồng 2 mua máy CT - Scanner 32 với giá cao gần 13 tỉ đồng, điều này đồng nghĩa người bệnh phải trả chi phí điều trị cao hơn
Lựa chọn nhà thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp
Trước những thông tin PV Báo Lao Động xoay quanh việc mua máy trên được thực hiện trên nguyên tắc, quy trình nào; Giá tiền máy được căn cứ trên cơ sở định giá nào; Bệnh nhân khi sử dụng máy CT 32 phải chi trả mức phí cao?, TS.BS Phạm Ngọc Thạch - PGĐ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh viện có ký hợp đồng với công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Lê Minh (Công ty Lê Minh) để mua máy CT - Scanner 32 lát cắt đúng như thông tin PV phản ánh.
Theo ông Thạch, việc mua máy CT - Scanner 32 lát cắt/vòng quay là dựa vào kế hoạch mua sắm từ năm 2019 đã được UBND TPHCM phê duyệt theo Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 7.4.2020, phê duyệt tiêu chuẩn định mức sử dụng trang thiết bị y tế. Trên cơ sở này, Bệnh viện đã thực hiện công tác mua sắm theo quy định của pháp luật và đảm bảo đúng nguyên tắc công khai, minh bạch.
"Số tiền mua sắm CT - Scanner 32 lát cắt, Bệnh viện tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp. Dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu đã trúng thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó làm cơ sở cho việc định giá." - TS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết.
Về thông tin lo ngại người bệnh phải trả chi phí cao, vì giá máy mua ban đầu lên đến 13 tỉ đồng, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khi người bệnh sử dụng máy này sẽ được tính theo giá của bảo hiểm y tế thanh toán và không thu thêm chi phí nào khác. Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 cung cấp thêm thông tin, máy CT - Scanner 32 lát cắt đưa vào sử dụng nhằm mục đích giảm sự quá tải của máy CT - Scanner đang hoạt động tại bệnh viện và phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người bệnh, đảm bảo các quy định về định mức sử dụng trang thiết bị y tế cho người bệnh.
"Hiện tại Bệnh viện chỉ có một máy CT - Scanner 128 lát cắt duy nhất đặt tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh phục vụ cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú. Trung bình trên 60 bệnh nhân chụp trên một ngày. Máy đang phải hoạt động trong tình trạng quá tải, dẫn đến tình trạng dồn ứ, bệnh nhân chờ lâu. Ngoài ra những trường hợp chụp máy CT - Scanner 128 lát cắt theo bảo hiểm ý tế vẫn thanh toán theo giá máy CT - Scanner 32 lát cắt.
Do đó, việc mua sắm CT - Scanner 32 lát cắt đặt tại khu vực phòng khám để phục vụ cho những bệnh nhân bị chấn thương sọ não, bệnh cấp cứu,... và phục vụ nhu cầu chuyên môn một cách nhanh chóng, kịp thời, hạn chế thấp nhất thời gian chờ trong khám bệnh của bệnh nhân. Còn máy CT - Scanner 128 lát cắt để phục vụ nhu cầu chuyên môn sâu, có yêu cầu kỹ thuật cao, đúng với chỉ định của từng dòng máy." - TS.BS Phạm Ngọc Thạch thông tin thêm.
Trước thông tin một Bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Bình mua máy cùng loại chỉ 7,1 tỉ đồng, trong khi Bệnh viện Nhi đồng 2 mua với giá gần 13 tỉ đồng. Về vấn đề chênh lệch giá như trên, Bệnh viện Nhi đồng 2 giải thích, khi Thông tư 11 có hiệu lực, bệnh viện đi lấy giá của một bệnh viện công trong khu vực miền nam để làm giá mua máy cho Bệnh viện Nhi đồng 2. "Cùng là một cái máy, cùng mẫu mã, cùng chủng loại, nhưng chi tiết về cấu hình khác. Cái máy này được nhập nguyên con, nguyên kiện từ bên Đức về và đi kèm với sản phảm của phần mềm nữa. Sản phẩm về phần mềm, ví dụ phần mềm chuyên chụp cho bệnh nhi, khi bệnh nhi vào thì không như người lớn, người lớn thì nằm yên, nhưng bệnh nhi cựa quậy thì có phần mềm chuyên chụp cho nhi. Có những máy có cùng mẫu mã chủng loại của cùng một hãng xản xuất nhưng lắp ráp tại các nước khác nhau thì có giá khác nhau. Ví dụ như: cùng một máy do một nhà máy sản xuất nhưng lắp ráp tại Trung Quốc và Ấn Độ so với các nước G7 thì gì giá nó cũng khác. Máy cũng kèm theo các tính năng về cầu hình và phần mềm,... thì giá cũng khác." - Bệnh viện Nhi Đồng 2 thông tin. |