PNO - Gần trưa, chị Võ Thị Thu Hồng cùng nhiều người dân trong khu phố vẫn tranh thủ vác cuốc ra bờ kênh Tham Lương đoạn thuộc khu phố 7, phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM để trồng cây. “Khu phố vừa được tặng ba cây vối, mọi người rủ nhau đi trồng cho kịp. Chúng tôi trồng cây để góp thêm màu xanh cho khu phố. Mai mốt, cây phát triển tốt, tha hồ hái lá nấu nước uống giải nhiệt” - chị Hồng hồ hởi nói.
Những mảng xanh do dân tự quản
Miếng đất bên bờ kênh Tham Lương không lớn, vẫn còn lẫn sỏi đá trong quá trình bê tông hóa tuyến đường ven kênh đang được người dân tận dụng trồng hoa và cây xanh với quyết tâm biến thành một “công trình xanh tự quản”.
Công trình đang dần hoàn thiện, được rào chắn bằng những dải băng. Thấy mọi người đang háo hức trồng cây, ông Khuê - một người dân trong khu phố - đi ngang, cũng tạt vào phụ một tay. “Khu vực này nhếch nhác lắm nên chúng tôi đang cố gắng tạo ra những mảng xanh như thế này để tản bộ, tập thể dục” - ông Khuê bày tỏ.
Từ chỗ ô nhiễm, nhiều nơi ở quận Gò Vấp được cải tạo, xây dựng thành nơi vui chơi, giải trí của người dân |
Dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng từ nhiều năm qua, nhưng công trình làm đường ven kênh bị gián đoạn, chưa thể hoàn thành. Đoạn kênh chảy qua phường 14 dài hơn 4km vẫn còn nhiều chỗ đất lởm chởm, sình lầy. Những chỗ đường chưa kết nối, vắng nhà dân trở thành điểm tập kết rác với số lượng lớn. Có chỗ, từ một bịch rác nhỏ vứt lén, chẳng mấy chốc trở thành một bãi rác to, bốc mùi hôi nồng nặc.
Trước bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm nói trên, UBND phường và các đoàn thể chính trị xã hội lập danh sách bảy địa chỉ tập kết rác với số lượng lớn để tổ chức tổng vệ sinh. Qua 15 đợt ra quân phát quang bụi rậm, tổng vệ sinh, thu gom lượng rác lớn đưa đi xử lý, môi trường ở đây dần được cải thiện.
Sau khi rác được dọn sạch, UBND phường tiếp tục vận động các nhà hảo tâm và người dân góp sức đổ hơn 300 khối đất, cải tạo mặt đường nhựa hoặc bê tông từ cuối hẻm 221 Phan Huy Ích đến chân cầu Quang Trung và các đoạn khác dọc theo tuyến kênh, lắp đặt hàng rào, đèn năng lượng mặt trời, dụng cụ thể dục thể thao, trồng cây xanh trên một số đoạn thuộc khu phố 7, 8, 9.
Không để phát sinh các điểm xả rác mới, mỗi khu phố lại lên kế hoạch thực hiện các công trình tạo không gian xanh. Có đoạn, UBND phường vận động các chủ vựa cây kiểng sắp xếp, để cây kiểng theo từng khối, có hàng lối, không ảnh hưởng đến việc lưu thông. Còn lại là các công trình xanh, được nhân dân trồng, tự chăm sóc, bảo quản.
Dân đồng lòng, thành quả sẽ dài lâu
Cũng dọc trên tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên thuộc khu phố 7, phường 15, quận Gò Vấp, một công viên nhỏ nằm dọc những ruộng rau muống đã hình thành. Chiều chiều, người lớn rủ nhau ra đây đi bộ hóng mát, tập thể dục thể thao, trẻ nhỏ chơi xích đu, cầu tuột, bập bênh...
Từ nhiều tháng qua, chị Nguyễn Thị Lan - ở khu phố 6, phường 15 - nghỉ làm, ở nhà giữ hai đứa cháu. Chiều nào cũng vậy, chị Lan cùng con gái và hai đứa cháu lại dắt nhau ra công viên hóng gió và vui chơi. Công viên này được xây dựng từ cuối năm 2018 theo chủ trương xóa điểm đen về ô nhiễm, xây dựng thành mảng xanh để vui chơi, giải trí.
Công trình nhận được sự đồng tình đông đảo của người dân, họ cùng hội phụ nữ, đoàn thanh niên ra quân thu gom rác. Tiếp đến, chính quyền và người dân cùng góp sức làm đường bê tông, lắp đặt thêm thiết bị tập thể dục.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân địa phương cho rằng, khi người dân, cộng đồng dân cư cùng gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương thì những mảng xanh được tạo ra sẽ được bảo vệ và duy trì bền vững.
Thiên Ân