Nghiên cứu sinh, học viên cao học của hơn 20 trường ĐH trên cả nước đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô
Đến ngày 20-12, nhiều nguồn tin cho biết đã có nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học của hơn 20 trường ĐH trên cả nước đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô làm điều kiện tuyển sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Có cả học viên trường tốp đầu
Trong danh sách các trường ĐH này, có cả những trường thuộc tốp đầu như ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội…
Trường ĐH Đông Đô. Ảnh: Bạch Hoàng Dương
Cụ thể, ĐHQG Hà Nội có 5 trường hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 8 trường hợp, Học viện Báo chí - Tuyên truyền và ĐH Huế mỗi đơn vị có 4 trường hợp. Ngoài ra, 2 giảng viên của Trường ĐH Luật (thuộc ĐH Huế) năm 2018 đã trúng tuyển vào lớp Ngôn ngữ Anh văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô, một giảng viên của ĐHQG Hà Nội cũng trúng tuyển vào lớp này.
Một trường hợp tại TP HCM sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô nộp hồ sơ dự tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ ở một trường ĐH công lập đóng tại TP HCM. Trường hợp này sau khi nhận được công văn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã yêu cầu học viên không được sử dụng văn bằng của Trường ĐH Đông Đô và phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ khác thay thế. Học viên này đã nộp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh của nơi khác bổ sung vào hồ sơ dự tuyển.
Liên quan các học viên sử dụng bằng giả đang theo học tại ĐHQG Hà Nội, đại diện của đơn vị này cho biết ĐHQG Hà Nội không công nhận văn bằng đối với những trường hợp dùng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Đông Đô. Nếu nghiên cứu sinh không có chứng chỉ quốc tế theo quy định hoặc có văn bằng ngôn ngữ Anh của trường ĐH được phép đào tạo và cấp bằng để thay thế thì sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục làm nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ.
Trong khi đó, không ít trường vẫn lúng túng trong việc xử lý các trường hợp sử dụng văn bằng giả, do vẫn chờ hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay đang chờ quyết định của cấp có thẩm quyền để xử lý các trường hợp sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô cấp.
Trung thực là hàng đầu
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 20-12, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhấn mạnh việc cần phải làm rõ và công khai danh sách những người đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô.
"Giáo dục cần phải trung thực hàng đầu. Thầy cô giáo mà gian dối thì không thể làm thầy cô được, họ làm sao dạy được học trò trung thực. Những người đang làm công tác giảng dạy ở các trường ĐH mà sử dụng bằng giả thì cần chuyển nghề, không nên làm giáo viên" - TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh và cũng cho rằng tính liêm chính đối với cán bộ, công chức là phải rất cao.
"Trong học thuật đã không liêm chính thì khi có chức, có quyền làm sao họ bảo đảm liêm chính được. Vì thế, đối với cán bộ, công chức cố tình sử dụng bằng giả thì cần buộc thôi việc, kỷ luật nghiêm theo đúng quy định" - ông Vinh nêu quan điểm.
Cũng theo ông Vinh, cơ quan điều tra xác định có tới 60 trường hợp dùng bằng giả nhưng đến nay mới xác định được 25 trường hợp (gồm 22 người rút hồ sơ và dừng chương trình nghiên cứu sinh khi khởi tố vụ án, 1 trường hợp thôi học thạc sĩ, 1 trường hợp công chức nghỉ việc, 1 trường hợp xin rút kết quả nâng ngạch thanh tra viên), vì thế cần điều tra làm rõ 35 trường hợp còn lại đã dùng bằng giả thế nào để yêu cầu xử lý theo quy định. "Nếu không điều tra làm rõ 35 trường hợp còn lại là không công bằng" - ông Vinh cho hay.
TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cũng nhấn mạnh cần phải xử lý nghiêm túc, đúng người, đúng tội, sai đến đâu xử đến đó.
"Nộp tiền, nhận bằng, rõ ràng là sai trái. Những người này đáng lẽ phải là những tấm gương về đạo đức, nhân cách, về ứng xử nhưng họ rõ ràng biết sai mà vẫn làm nên cần phải xử lý nghiêm" - ông Thắng nói.
Không thể chấp nhận
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chung quan điểm phải xử lý nghiêm những người sử dụng bằng giả do Trường ĐH Đông Đô cấp. Cần phân biệt rõ người học thi thật, học thật nhưng bị lừa, người nào đi học chỉ lấy cái bằng và biết là bằng giả mà vẫn cố tình sử dụng. Với những người cố tình dùng bằng giả phải xử lý nghiêm, không bao che. Đồng thời phải công khai danh tính những người này để làm gương cho những người khác, tránh tạo tiền lệ xấu.
Theo ông Khuyến, những người mang danh trí thức đứng trên bục giảng dạy dỗ người khác mà gian dối dù có biện minh bằng bất kỳ lý do gì cũng không thể chấp nhận được.