Cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, bệnh nhân không muốn đến điều trị... Đó là thực trạng đang diễn ra tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM trong hàng chục năm qua.

Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển (phải) phản ánh tình trạng xuống cấp tại cơ sở nội trú Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển (phải) phản ánh tình trạng xuống cấp tại cơ sở nội trú Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quá tải

Mỗi năm, Bệnh viện (BV) Tâm thần TPHCM tăng thêm 10%-15% số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Cơ sở vật chất nhỏ hẹp, đội ngũ y bác sĩ hạn chế khiến tình trạng quá tải đang gia tăng tại đây.

Theo lãnh đạo BV Tâm thần TPHCM, thông qua điều tra về tần suất các loại bệnh tâm thần thường gặp của người dân TPHCM cho thấy có đến 16% dân số có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Các bệnh lý tâm thần mà người dân thường gặp trong những năm gần đây gồm: tâm thần phân liệt chiếm 1%, động kinh 0,5%, trầm cảm 6%, rối loạn lo âu 7%, nghiện/lạm dụng rượu 5%; đặc biệt nhóm loạn thần liên quan tới chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ.

Số bệnh nhân nhập viện trung bình hàng năm là 3.300 trường hợp với khoảng 60 ngày nằm viện/người, số lượt cấp cứu trung bình 1.200 lượt/năm, trong đó tỷ lệ nhập viện chiếm 70% tổng số khám cấp cứu. Ngoài ra, khám bệnh ngoại trú, trị liệu tâm lý, khám giám định khoảng 230.000 lượt khám/năm với bình quân 800 - 1.200 lượt khám/ngày.

Mặc dù lượng bệnh tăng nhưng hiện nay BV Tâm thần TPHCM chỉ có 500 giường bệnh nội trú (cơ sở Lê Minh Xuân). Xét trong lĩnh vực điều trị tâm thần, tính bình quân TPHCM mới chỉ có 0,07 giường bệnh /1.000 dân, trong khi bình quân của cả nước là 0,2 giường bệnh/1.000 dân và thế giới từ 0,5-1,5 giường bệnh/1.000 dân. Như vậy, TPHCM cần thêm 1.500 giường bệnh nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

Th.S Trương Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Tâm thần TPHCM, cho rằng, môi trường điều trị cho bệnh nhân tâm thần mà không thông thoáng, thoải mái, dễ chịu thì người bị tâm thần không những không hết bệnh mà còn căng thẳng, trầm cảm khiến bệnh sẽ nặng hơn. Đó là chưa kể đội ngũ y bác sĩ điều trị tâm thần trong một môi trường như thế sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, nếu kéo dài cũng dễ gây ra tình trạng trầm cảm, tâm thần...

Bên cạnh đó, dù lượng bệnh nhân tăng cao nhưng thu nhập của đội ngũ y bác sĩ lại tăng không bao nhiêu. Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng xuống cấp, chưa mở rộng được các loại hình dịch vụ nhằm phục vụ cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân để tăng thu, trong khi nguồn ngân sách nhà nước thì có hạn khiến đời sống của cán bộ, nhân viên ở đây càng thêm khó khăn.

Đợi đến bao giờ?

 BV Tâm thần TPHCM có 3 cơ sở. Cơ sở chính tại số 766 Võ Văn Kiệt, quận 5, cơ sở 2 (chuyên khám về tâm thần nhi) số 165B Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận và cơ sở nội trú tại ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đều không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân, từ diện tích đến cấu trúc xây dựng, cơ sở vật chất... Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các kỹ thuật mới trong phục hồi chức năng tâm thần cũng như triển khai các đơn vị điều trị tâm lý, tâm vận động, kích thích từ xuyên sọ...

Tại cơ sở 766 Võ Văn Kiệt - nơi đón tiếp chính bệnh nhân tâm thần của TP nhưng mặt bằng khoa nội trú và ngoại trú rất hạn chế, không những gây phiền hà, tâm lý ngán ngại đi khám chữa bệnh của bệnh nhân mà nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh còn từ chối nhập viện. Cơ sở này chỉ có diện tích 1.700m⊃2; với thiết kế 50 giường nhưng hiện phải kê cả trăm giường bệnh. Chính cơ sở hạ tầng xuống cấp, áp lực giường bệnh khiến BV phải cho bệnh nhân xuất viện sớm, trong đó có nhiều trường hợp lẽ ra cần điều trị thêm nhưng vẫn buộc phải xuất viện do không có đủ giường.

Cơ sở 2 cũng đang trong tình trạng xuống cấp nặng, hệ thống điện, nước đã cũ kỹ, chỗ chờ khám, chỗ nằm điều trị của người bệnh chật chội. Ngay cả chỗ gửi xe cho bệnh nhân, người thân cũng không có và buộc người bệnh phải gửi xe ở nhà dân, bị chặt chém.

Trực tiếp đưa chúng tôi đi thực tế từng hạng mục, khu ở, điều trị tại cơ sở nội trú Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) - cách trung tâm thành phố hơn 20km, bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tâm thần TPHCM, luôn mong mỏi cơ sở Lê Minh Xuân nhanh chóng được cho chủ trương để tiến hành sửa chữa.

Hiện cơ sở này có 6 khu trên tổng diện tích hơn 10.000m2, trong đó 5 khu nội trú là những dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, tận dụng lại từ BV Đa khoa khu vực Bình Chánh được bàn giao cho BV Tâm thần TP năm 1984. Theo dự kiến, mỗi khu nội trú tiếp nhận 50 người bệnh, có phòng ăn, phòng vui chơi nhưng do quá tải nên hiện tại mỗi khu nội trú có trên 100 người bệnh.

Tòa nhà hành chính, nhìn bề ngoài khang trang với kết cấu 1 trệt, 2 lầu, tuy nhiên bên trong là “thảm cảnh” với những dãy hành lang sụt lún sâu khoảng 20cm, từng mảng gạch men bị vỡ nát. Nhiều mảng tường và cột xuất hiện vết nứt dài chỉ chực chờ vỡ ra, bong tróc, xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Đáng nói, dù tình trạng này kéo dài nhiều năm, lãnh đạo BV Tâm thần TP đã nhiều lần kiến nghị lên Sở Y tế TPHCM, nhưng mãi vẫn không thể giải quyết dứt điểm, khiến nhiều người lo lắng, bức xúc.

Bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển đau đáu, năm 2007 khu hành chính được đưa vào sử dụng, nhưng 3-4 năm sau đã có hiện tượng sụt lún nền hành lang. Lúc đó, BV cũng triển khai duy tu, bảo dưỡng, thế nhưng tình trạng sụt lún ngày càng nặng hơn. “BV đã có kế hoạch sửa chữa với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng từ quỹ hoạt động phát triển sự nghiệp của đơn vị. Tuy nhiên, gần 10 năm qua việc sửa chữa vẫn chưa được các đơn vị liên quan phê duyệt”, bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Hiển nói.

Về việc cả 3 cơ sở của BV Tâm thần TPHCM xuống cấp trầm trọng thời gian dài và không được sửa chữa, Sở Y tế TPHCM cho biết đã phối hợp cùng nhiều sở, ban, ngành liên quan nhằm tìm ra phương án khắc phục. Riêng giai đoạn 2018-2020, đề án sửa chữa bệnh viện được Sở Y tế TPHCM duyệt khoảng 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phê duyệt sửa chữa còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sở Y tế TPHCM vừa có Văn bản số 7431/SYT-KHTC do Phó Giám đốc Nguyễn Hoài Nam ký ngày 14-12 đề nghị BV Tâm thần TPHCM nghiên cứu, thực hiện quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn, vốn hàng năm từ nguồn thu hợp pháp; đồng thời giám đốc BV tự chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị, trong việc thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo.

QUANG HUY