Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại VBF cuối kỳ 2020
Khẳng định Chính phủ Việt Nam trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của VBF đối với quá trình nghiên cứu, tham mưu, hoạch định chính sách kinh tế; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các chiến lược, kế hoạch phát triển giai đoạn tới.
Khái quát bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước năm 2020, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đại dịch Covid-19, cùng với thiên tai, bão lụt nghiêm trọng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đáng kể; cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn về sản xuất, lưu thông, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác và tiếp cận các nguồn vốn.
Trong khi đó, năm 2020, Việt Nam còn đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế và khu vực quan trọng với nhiều nhiệm vụ nặng nề, nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (nhiệm kỳ 2020-2021). Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, việc thực hiện "mục tiêu kép" (vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh) bước đầu đã đạt những kết quả tích cực.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, hàng loạt biện pháp quyết liệt để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... đã được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính cạnh tranh quốc tế nhằm nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội thu hút đầu tư trong tình hình mới.
Với quyết tâm của Chính phủ, hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng được đẩy mạnh với nhiều bước tiến mang tính đột phá. Có thể kể đến việc ký kết và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Đồng thời, thúc đẩy việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác...
Những nỗ lực trên của Chính phủ đều hướng tới mục tiêu chung là đẩy mạnh cải cách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong trạng thái "bình thường mới”.
Trong năm 2021, để đồng hành và hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, vượt qua thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội trong trạng thái "bình thường mới", Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định chính trị xã hội, bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt, Chính phủ sẽ tăng cường khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động đón làn sóng đầu tư mới, gắn với tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.
-----------------------------
Trong các kiến nghị được gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020, vấn đề năng lượng được cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ quan tâm đặc biệt.
Nhìn nhận khá lạc quan về năm 2021, ông David John Whitehead, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (Auscham) nêu quan điểm: “Chúng tôi kỳ vọng rằng, vào giữa năm 2021, tình hình kinh doanh sẽ có bước khởi sắc với việc mở cửa thị trường quốc tế và khôi phục hoạt động thương mại”. Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo nguồn điện và lượng điện cung cấp bằng cách phát triển lưới điện trở thành vấn đề cấp bách.
Chia sẻ ý kiến này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cũng kiến nghị Chính phủ cần xem xét các nguồn năng lượng phù hợp với tình hình của Việt Nam và thân thiện với môi trường.
Theo JCCI, chế độ chính sách ổn định là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng lập kế hoạch đầu tư trung và dài hạn. Với năng lượng tái tạo, JCCI đề nghị Chính phủ xem xét duy trì và kiện toàn Chính sách Feed-in Tariff (Biểu giá điện hỗ trợ) phù hợp hơn, hoàn thiện hợp đồng mua điện, giúp nhà đầu tư dễ dàng vay vốn ngân hàng hơn, rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục khi bổ sung dự án vào Quy hoạch Tổng thể phát triển điện lực, áp dụng ưu đãi cho công ty và nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo...
Bên cạnh đó, để sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), việc hoàn thiện hạ tầng như kho tiếp nhận và thiết bị chứa LNG nhập khẩu, đường ống dẫn khí đến nơi sử dụng… là không thể thiếu. JCCI kiến nghị Chính phủ nhanh chóng xúc tiến hoàn thiện hạ tầng này dựa trên Quy hoạch Tổng thể ngành công nghiệp khí (ban hành năm 2017).
Đề cập cụ thể đến vấn đề điện hạt nhân, đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam dự kiến sẽ không xem xét lại năng lượng hạt nhân theo Tổng sơ đồ điện 8 (PDP8), song, từ tầm nhìn tương lai, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần nâng cao mối quan tâm về năng lượng trong khu vực và xem xét chặt chẽ về hiệu quả sử dụng công nghệ hạt nhân cho các mục đích dân dụng bằng cách tạo ra năng lượng xanh với chi phí cực kỳ thấp mà không phương án phát điện nào có thể cung cấp được. Điện hạt nhân cũng có thể được coi là một động thái chiến lược của quốc gia nhằm duy trì an ninh đầu tư với sức mạnh sản xuất điện trong khu vực.
Trao đổi với phóng viên bên lề diễn đàn, ông Hong Sun, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng bày tỏ ủng hộ nhận định của đại diện doanh nghiệp Ấn Độ.
Ghi nhận những thành công của Việt Nam khi đã và đang chú trọng vào năng lượng tái tạo, nhưng Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng VBF cho rằng, năng lượng tái tạo chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của Việt Nam và Việt Nam cần nhiều điện hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
“Nếu điện năng không được sản xuất từ than đá, sẽ phải được sản xuất từ khí hoặc nhiên liệu hạt nhân. Những dự án này có thể đòi hỏi chi phí từ 5 - 50 tỷ USD. Để thu hút những dòng vốn này, Việt Nam cần phải xem xét các dự án lớn này tách biệt với các dự án hạ tầng nhỏ hơn khác”, Báo cáo của Nhóm Công tác Cơ sở Hạ tầng VBF nêu rõ.
Về mặt chính sách, Nhóm Công tác Điện và Năng lượng VBF cho rằng, cần xây dựng môi trường pháp lý và thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả. Nhờ đó giảm bớt áp lực về công suất điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chia sẻ trách nhiệm này với nhiều đối tượng sử dụng điện, các đơn vị sản xuất điện trong mô hình sản xuất phân tán.
Đồng thời, giảm chi phí hệ thống điện so với kế hoạch năng lượng tập trung vào than bằng cách hạn chế tính dễ bị tổn thương đối với thị trường than biến động, tránh các khoản nợ tài chính của tài sản bị mắc kẹt, giảm chi phí liên quan đến sức khỏe cộng đồng và tác động môi trường.
ANH PHƯƠNG