LĐO - Chuyển đổi số đã không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu ở các diễn đàn hay trong phòng hội nghị mà thực sự đã chuyển hoá thành những tác động sâu rộng trong xã hội với một cộng đồng 58.000 doanh nghiệp số. Điều quan trọng nhất là người lao động đã có những tư duy, nhận thức mới để thích nghi và thay đổi trong công việc hoà mình vào dòng chảy chuyển đổi số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel đầu năm 2000. Ảnh VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nơi trưng bày sản phẩm 5G của Viettel đầu năm 2000. Ảnh VGP

Từ cái nhìn lo lắng đến cơ hội làm chủ công nghệ

Không phải không có những lo lắng về việc chuyển đổi số tạo ra nhiều biến động trong thị trường lao động đặc biệt ở những quốc gia có năng suất lao động thấp và chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp. Rõ ràng nếu không có thay đổi, chuyển đổi số sẽ khiến phần lớn lao động không có tay nghề mất việc làm.

Cuối năm 2019, các chuyên gia đưa ra nhận định: Chuyển đổi số sẽ tác động đến cơ cấu việc làm. Các số liệu của Microsoft đã chỉ ra rằng, trong vòng 3 năm nữa, 85% các công việc sẽ phải thay đổi, nhiều công việc đòi hỏi người lao động phải tự đào tạo để nâng cao kỹ năng số, 26% là công việc mới do chuyển đổi số mang lại, 27% công việc sẽ biến mất trong tương lai.

Ở thời điểm đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Trung ương 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là một quá trình nhiều thập kỷ. Là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược.

Bởi vậy, nếu không có những thay đổi nhanh chóng trong thích nghi và thay đổi, doanh nghiệp và người lao động Việt sẽ nhanh chóng bị để lại phía sau.

Chuyển đổi số sẽ chuyển đổi mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội, trong đó có lao động. Theo đó, cả người lao động và người sử dụng lao động cũng phải được chuyển đổi theo để có thể thích nghi tốt nhất có thể được. Doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số. Và người lao động cũng phải thay đổi cách làm trước nay để có thể thích nghi.

Các chuyên gia chỉ ra rằng: doanh nghiệp chuyển đổi số không chỉ đem lại lợi ích cho họ mà còn phải làm cho người lao động có thể làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, người lao động chuyển đổi số sẽ giúp cho doanh vận hành tốt hơn. Nếu làm rõ được điều này, công cuộc chuyển đổi số sẽ dễ dàng và diễn ra suôn sẻ hơn vì ai cũng nhìn thấy những lợi ích mà mình có được.

Internet Day 2020 có sự tham gia của nhiều chuyên gia về CNTT và chuyển đổi số diễn ra ngày 16.12.2020. Ảnh LN
Internet Day 2020 có sự tham gia của nhiều chuyên gia về CNTT và chuyển đổi số diễn ra ngày 16.12.2020. Ảnh LN

Tác động của dịch COVID-19, ở góc độ nào đó lại là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam nhanh hơn. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Một bất ngờ khác là khả năng nhanh chóng phát triển các sản phẩm công nghệ số phòng chống COVID-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới. Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời COVID. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Viet Nam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này”.

Nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã được thực tế chứng minh: trong một năm, kể từ khi chỉ thị 01 của Thủ tướng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được ban hành (tháng 1.2020) thì đến nay đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Hiện, Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp công nghệ số. Theo Bộ TTTT, mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025, tức là sớm hơn 5 năm.

Sẵn sàng thích nghi và thay đổi

Lực lượng lao động ứng phó và thích nghi với quá trình chuyển đổi số này như thế nào là một câu hỏi không dễ trả lời. Nếu chuyển đổi số chỉ đơn thuần là các chính sách mà quên đi vấn đề nhân lực, lao động thì không khác nào “cơn gió đi vào nhà trống”.

Chuyển đổi số tạo ra hàng loạt việc làm mà trước đây chưa hề có. Trong đó có thể kể đến những lao động công nghệ số, họ là những người được đào tạo chuyên sâu về công nghệ số như công nghệ internet của vạn vật, tổ chức dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… Tiếp đến là lực lượng lao động dựa trên ứng dụng công nghệ số, đây là lực lượng đông đảo, làm việc ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và chính họ phải biết ứng dụng các công cụ, phương tiện được tạo ra bởi công nghệ số vào công việc hằng ngày của mình theo đúng quy trình. Và thứ ba là lao động khai thác lợi thế từ công nghệ số như khai thác hạ tầng internet, mạng xã hội.

Tại buổi tọa đàm "Cơ hội nào cho người lao động trong trạng thái bình thường mới?" vừa diễn ra tại Long An hồi tháng 11 mới đây, ông Nguyễn Tuấn Lương, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) đã có những chia sẻ về việc người lao động cần trang bị gì để đối mặt với thời kỳ chuyển đổi số: "Công nghệ đang len lỏi vào cuộc sống. Các mảng như làm đẹp hay nấu ăn đều được ghi nhận, theo dõi thông tin bằng ứng dụng của công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để từ đó đưa ra những mô hình tối ưu nhất. Có nhiều phần việc khi ứng dụng công nghệ sẽ giúp tiết giảm sức lao động của con người. Tuy nhiên, công nghệ không làm mất đi việc làm, mà tạo ra nhiều công ăn việc làm".

Tuy nhiên khi cơ hội đến cần phải nắm bắt thay vì ngồi chờ cơ hội. Để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của chuyển đổi số, người lao động phải tự đào tạo và được đào tạo. Ở đây không chỉ quá trình tự thân của người lao động mà còn có vai trò của doanh nghiệp của các tổ chức xã hội, đặc biệt là tổ chức Công đoàn trong việc tạo cơ hội để người lao động nâng cao tay nghề, tiếp cận khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số vào công việc hàng ngày.

Sự thay đổi, cần phải đến từ những điều nhỏ nhất, nói như Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Mỗi chúng ta, mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn. Và khi đó những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng do chung một khát vọng lớn và vì thế, chúng được cộng lực với nhau để có một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc!”.

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 được tổ chức vào ngày 23.12 tại Hà Nội. Với chủ đề "Doanh nghiệp công nghệ số - Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam". Sự kiện nhằm điểm lại những thành tựu về công nghệ số Việt Nam đã đạt được, đặc biệt sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Bên cạnh đó là giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cùng các bài học thực tiễn từ doanh nghiệp trong nước và quốc tế.