Theo Sở Nội vụ TP.HCM, sau khi thành lập TP.Thủ Đức, số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư là 399 người.
Cảng Trường Thọ được quy hoạch thành khu đô thị tương lai của TP.Thủ Đức
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Từ năm 2021, những người này sẽ được sắp xếp, bố trí tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc TP.Thủ Đức; điều động sang quận khác hoặc sở, ngành, TP.HCM; giải quyết chế độ nghỉ hưu, thôi việc.
Trong năm 2021, Thành ủy TP.Thủ Đức có 128 biên chế công chức và hợp đồng lao động gồm các chức danh: Bí thư, Phó bí thư, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Dân vận, Trưởng ban Tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Chánh văn phòng. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thủ Đức và các đoàn thể có 112 biên chế. Trong khi đó, UBND TP.Thủ Đức có 657 biên chế công chức và hợp đồng lao động năm 2021, bao gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và thủ trưởng các phòng ban chuyên môn.
Về trụ sở, Sở Nội vụ đề xuất trụ sở UBND Q.2 làm Thành ủy Thủ Đức; trụ sở UBND Q.9 làm trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể TP.Thủ Đức và bố trí một số phòng chuyên môn của UBND TP.Thủ Đức; trụ sở UBND Q.Thủ Đức làm trụ sở HĐND và UBND TP.Thủ Đức.
Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho biết sau khi sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) để thành lập TP.Thủ Đức, nhiều cán bộ, công chức sẽ dôi dư nên TP.HCM sẽ có lộ trình sắp xếp bộ máy phù hợp, đồng thời đẩy mạnh quá trình tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Để TP.Thủ Đức phát triển như mục tiêu đề ra, ngoài những quy định hiện hành thì UBND TP.HCM cũng cần nghiên cứu, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn của chính quyền “thành phố trong thành phố” so với chính quyền ở các quận hiện nay. Ngoài ra, ông Đức cũng đề nghị cần sớm công khai quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và xóa quy hoạch để người dân có cơ hội kịp thời khai thác, làm tăng giá trị sử dụng của đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần phục vụ nhu cầu người dân nhanh chóng, thuận lợi.
Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận TP.Thủ Đức là dự án lớn hàng đầu của cả nước nên có nhiều việc phải làm, mà quan trọng nhất là T.Ư cần sớm xác định cơ chế đặc thù cho TP này. Cơ chế đặc thù có thể làm được nhiều chuyện như thu hút đầu tư, làm lại quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng theo kiến trúc sư Sơn, công việc gấp rút hàng đầu là phải chặn đứng được tình trạng đầu cơ địa ốc thông qua cơ chế đặc thù để xây dựng kế hoạch và cơ sở pháp lý thực hiện. Thực tế thời gian qua cho thấy mới chỉ có thông tin về thành lập TP phía đông, giá đất đã tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu dừng lại. “Nếu không kịp thời chặn đứng làn sóng đầu cơ địa ốc thì dự án TP.Thủ Đức sẽ phá sản từ trong trứng nước bởi giá đất đắt đỏ sẽ khiến nhiều dự tính, kế hoạch của chính quyền không thể triển khai”, ông Sơn phân tích.
Chuyên gia này dẫn chứng làn sóng đầu cơ địa ốc đã dẫn đến nhiều khu đô thị “ma” xuất hiện trên phạm vi cả nước như: Nhơn Trạch (Đồng Nai), TP mới Bình Dương, Hà Nội và tại Q.2. Nếu không chặn đứng được ngay thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, TP.HCM sẽ mất kiểm soát khi triển khai các quy hoạch.