TTO - 'Sinh viên 5 tốt' là mô hình được Hội Sinh viên Việt Nam chọn, thay đổi từ cách làm 'Sinh viên 3 tốt' của TP.HCM, được nhân rộng và thành phong trào rèn luyện của sinh viên cả nước.
Trương Chí Trung (trái) và đồng nghiệp người nước ngoài tại nhà máy - Ảnh: T.C.
Trong mùa thu hoạch ấy không thể không nhắc đến những "quả ngọt" sinh viên đã dấn thân, trưởng thành cùng với danh hiệu cao quý này...
“Để đạt chuẩn mỗi năm, bạn cần làm mới chính mình bằng thành tích mới. Điều đó dạy bạn biết luôn chủ động khi bước ra cuộc sống sau này.
NGUYỄN THẾ ĐỨC TÂM
"Cứng" học thuật, mê nghiên cứu
Nguyễn Thế Đức Tâm - cựu sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM - gương mặt đã 4 lần đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" TP.HCM và 3 lần cấp toàn quốc. "Mình học quản trị luật 5 năm, nhiều hơn các bạn khác 1 năm, năm đầu tiên chưa nghiên cứu khoa học nên không đủ điều kiện xét danh hiệu. 4 năm còn lại đều có công trình nghiên cứu và có giải nên dành trọn 4 năm liên tiếp "Sinh viên 5 tốt" cấp TP là vậy" - Đức Tâm lý giải.
Còn Trương Chí Trung - cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng - 2 lần được vinh danh danh hiệu này (cả cấp TP lẫn toàn quốc) đã tham gia nhóm nghiên cứu cùng GS Kim Zeen Chul (Viện Khoa học kỹ thuật TP.HCM), đề tài về ứng dụng năng lượng mặt trời trong nông nghiệp. Anh chàng ngược xuôi đi lại giữa TP.HCM và Cà Mau khảo sát thực địa, lấy thông số cho đề tài nghiên cứu.
Trung kể: "Quá trình tìm kiếm, xử lý tài liệu giúp mình nhiều điều, khả năng tổng hợp khi viết báo cáo khoa học - kỹ năng không phải sinh viên nào cũng có". Đề tài này sau đó trở thành đồ án tốt nghiệp của Trung cùng hai bạn sinh viên khác, mỗi người một nhánh nghiên cứu. "Công trình được báo cáo và đánh giá tốt trong hai hội nghị quốc tế tổ chức tại trường, hiện vẫn ứng dụng tại trang trại nuôi tôm ở Cà Mau" - Trung khoe.
Đức Tâm được biết đến với vai trò thí sinh cuộc thi Moot court competition (Phiên tòa giả định) trong nhiều năm. Chinh chiến từ cấp trường, vào đội tuyển thi cấp quốc gia, rồi đại diện Việt Nam đến vòng thi châu Á - Thái Bình Dương với đội tuyển đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ. Có năm thi ở Hàn Quốc, năm ở Nhật, năm tại Việt Nam. "Cuộc thi đó buộc mình chuẩn bị lý lẽ thật kỹ vì bào chữa ở cả hai vai, khi cho bị đơn, lúc cho nguyên đơn, rèn ngoại ngữ rất tốt bởi hoàn toàn dùng tiếng Anh" - Tâm chia sẻ.
Trải nghiệm và tôi luyện
Thực tế số "Sinh viên 5 tốt" mỗi năm nếu so với tổng số sinh viên là tỉ lệ khá khiêm tốn. Danh hiệu này với nhiều bạn là cả niềm mơ ước suốt những tháng năm trên giảng đường. Với Đức Tâm, hành trình 5 tốt không phải ngày một, ngày hai, phải biết chọn điểm rơi chứ không thể dàn hàng ngang cả năm tiêu chí cùng lúc. Vì học tập là nhiệm vụ xuyên suốt nên rèn luyện thể lực lúc nào, hoạt động tình nguyện ra sao, tham gia chương trình giao lưu quốc tế... đều phải phân bổ hợp lý trong quá trình tích lũy.
Chí Trung cũng vậy, có năm từng thiếu chuẩn ngoại ngữ mà hụt danh hiệu nên phải dốc sức lấp đầy khoảng trống ấy. "Mình lên lộ trình sau "thất bại" đó, học thêm cách sắp xếp thời gian hợp lý, kỹ năng tự hoạch định, lên kế hoạch cho bản thân một cách khoa học..." - Trung tâm sự.
Chí Trung hiện đang làm việc cho một tập đoàn của Hàn Quốc có trụ sở tại Đồng Nai. Trước đó, anh làm việc cho một tập đoàn điện tử của Nhật Bản. Nhìn lại hành trình vừa qua, Trung nói danh hiệu này cho mình nhiều điều mà cảm nhận rõ nhất là giúp Trung đối diện nhiều áp lực khi làm việc với người nước ngoài mỗi ngày.
Đức Tâm đã hoàn thành thạc sĩ chương trình liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) và ĐH Paris 2 (Pháp), hiện là giảng viên Trường ĐH Kinh tế - luật. Mới nhất, anh vừa được tuyên dương "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" cấp TP.HCM và toàn quốc. "Tôi vẫn luôn đặt mình vào vị trí sinh viên để xem những điều mình chia sẻ có thật sự cần không, thấy thích không. Khi tự trả lời được những câu hỏi ấy, tôi mới tự tin điều tôi nói cũng là điều các bạn muốn nghe, có sức hút" - Tâm bày tỏ.
Muốn giúp sinh viên luật thực hành luật Việt Nam
Nguyễn Thế Đức Tâm - Ảnh: T.Đ.
Hiện Đức Tâm bảo vệ đề cương và đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, ấp ủ ý tưởng về một cuộc thi Phiên tòa giả định kết hợp nhiều phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau và thi về luật Việt Nam sau vài lần huấn luyện cho đội tuyển sinh viên tham gia cuộc thi này.
"Cuộc thi này thường thi về luật quốc tế, trong khi sinh viên luật trong nước khi ra trường sẽ thực hành luật Việt Nam. Tôi muốn làm một phiên bản mới, có điều chỉnh hợp lý như là một cách giúp sinh viên luật thực hành luật Việt Nam ngay khi còn học" - Tâm chia sẻ.