TTO - Sau khi bắt đầu thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 với tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 9,9%, VN sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 - 2054 khi tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm từ 10 - 19,9%.
Như vậy, như nhiều chuyên gia từng cảnh báo, VN chưa giàu nhưng dân số đã bắt đầu già hóa. Và từ 2054 - 2069, VN sẽ trải qua giai đoạn dân số rất già, khi người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20 - 29,9%. VN cũng được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ "già hóa dân số" sang "dân số già" vào nhóm nhanh trên thế giới, dự báo là 20 năm, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Anh và Tây Ban Nha 45 năm...
Dân số già nhanh
Phát biểu tại hội thảo "Dân số và phát triển", được Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24-12, ông Nguyễn Doãn Tú, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cho rằng một trong những chính sách để hạn chế tốc độ già hóa dân số là duy trì mức sinh thay thế. "Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, giữ được tổng tỉ suất sinh ở mức xung quanh 2 con/bà mẹ từ 2006 đến nay" - ông Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, những chính sách để hỗ trợ thêm còn rất ít, thậm chí chưa có. "Hãy đặt mình vào vị trí của các công nhân, sinh con nhưng nhà trẻ, trường mẫu giáo... đều ít có hoặc chi phí cao, các gia đình trẻ ít dám sinh con. Ngay các gia đình ở thành thị, hai vợ chồng có công việc ổn định nhưng mức lương thông thường cũng rất khó khăn khi nuôi 2 con ăn học" - ông Tú bình luận.
Chính vì lý do này, dù đã có chính sách nhằm nâng mức sinh ở vùng có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, đồng thời giảm mức sinh ở vùng có mức sinh cao, nhưng mức sinh được thông báo gần nhất ở TP.HCM ở mức trên 1,3 con/bà mẹ vẫn là mức sinh thấp nhất nước và còn có xu hướng giảm thêm.
"Kinh nghiệm ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia cho thấy nếu mức sinh đã xuống thấp sẽ rất khó để tăng sinh trở lại. Khi mức sinh thấp, dân số càng già với tốc độ nhanh hơn" - ông Tú khuyến cáo.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Trường, vụ trưởng Vụ Cơ cấu và quy mô dân số (Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình), đặc điểm của người cao tuổi ở Việt Nam là trên 70% phải tự lao động kiếm sống với sự hỗ trợ của con cháu, chỉ 25,5% sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội.
Con số này dự báo không có thay đổi nhiều trong thời gian tới. Trong năm 2020, Hà Nội chỉ mới có khoảng 40% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và theo mục tiêu đến năm 2021, 45% người lao động cả nước sẽ tham gia bảo hiểm xã hội. Khi bước vào thời kỳ dân số già, số người già tăng cao cùng với tỉ lệ người già không có lương hưu/trợ cấp cũng tăng theo vô hình trung sẽ là một gánh nặng về an sinh xã hội.
Can thiệp chưa hiệu quả
Trước đó, mạng xã hội chia sẻ nhiều thông tin một tỉnh tại khu vực ĐBSCL khen thưởng 22 gia đình sinh đủ 2 con một bề gái. Chính sách này đã được triển khai những năm gần đây nhằm can thiệp một vấn đề đang làm đau đầu giới chức ngành dân số: chênh lệch giới tính khi sinh, càng giàu sẽ càng có điều kiện lựa chọn con trai.
Theo số liệu năm 2019, tỉ số giới tính khi sinh đang ở mức 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong đó, tỉ lệ này ở nhóm dân số nghèo nhất ở mức 108,2 trẻ trai/100 trẻ gái và nhóm dân số giàu nhất là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi tỉ số này nếu đúng theo tự nhiên phải là 105 trẻ trai/100 trẻ gái. Hậu quả của tình trạng này, theo dự báo đến 2034, VN sẽ "dư thừa" 1,5 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn và con số này tăng lên 2,5 triệu nam thanh niên đến 2059.
Tuy nhiên, những chính sách can thiệp cho đến nay vẫn chưa hiệu quả. Theo ông Tú, mới có rất ít tỉnh thành có khen tặng hay có hình thức hỗ trợ các gia đình sinh con một bề gái, chưa kể mức hỗ trợ cũng chưa nhiều. Từ giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có hướng dẫn về điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng/miền, trong đó các địa phương có mức sinh thấp (hiện là 21 tỉnh thành) hỗ trợ các gia đình sinh đủ 2 con thông qua việc có ưu đãi mua nhà ở xã hội, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm đóng góp công ích...
"Tuy nhiên, cho đến nay như tôi biết thì chưa có địa phương nào triển khai và hỗ trợ các gia đình" - một chuyên gia về dân số cho biết. Khi các chính sách hỗ trợ hầu như mới chỉ có trên giấy, những vấn đề còn khó giải quyết như chênh lệch giới tính khi sinh, khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp... cũng không được cải thiện đáng kể. TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ đang có mức sinh thấp, nhưng nếu không có thêm trường học, nhà trẻ, các hỗ trợ cho vợ chồng trẻ, tình trạng này sẽ còn kéo dài.
Nâng cao tay nghề để tận dụng giai đoạn dân số vàng Theo ông Nguyễn Doãn Tú, trong 5 năm gần đây, tỉ lệ lao động được đào tạo nghề có cao hơn so với giai đoạn trước. Trong khi đó, muốn tận dụng cơ hội của giai đoạn dân số vàng (tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ trọng cao, dự báo sẽ kết thúc sau gần 3 thập niên tới), cần trang bị cho người lao động trẻ thêm kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm làm việc, bên cạnh cải thiện năng suất lao động. "So với giai đoạn trước, người lao động đã được trang bị thêm kỹ năng nhưng năng suất lao động của chúng ta đang thấp hơn nhiều so với Singapore, Thái Lan...", ông Tú nói. |