Ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trả lời phóng viên tại cuộc họp báo
Tại cuộc Họp báo thường kỳ năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hôm nay 20-7, trả lời câu hỏi của báo giới xung quanh việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án lấn biển Cần Giờ (TPHCM) đang thu hút sự quan tâm của dư luận, ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: “Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo ĐTM của dự án đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Bộ Tài nguyên và Môi trường ý thức rõ trách nhiệm của mình khi xem xét dự án để phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững với những mục tiêu rất cụ thể, đó là giữ được rừng ngập mặn Cần Giờ; phải có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát lũ, ô nhiễm môi trường.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy báo cáo ĐTM đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có và đưa ra giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, đã xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường.
Cho biết mình là người theo dõi sát sao dự án, ông Hải nhận định, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ kỹ thuật, chuyên đề nghiên cứu, báo cáo đánh giá độc lập được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức uy tín ở trong nước và quốc tế liên quan đến các vấn đề lớn mà dự án có thể gây tác động như: đa dạng sinh thái rừng ngập mặn, dòng chảy tự nhiên, nguy cơ gây bồi lắng, xói lở; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; các tác động về kinh tế - xã hội và có các đơn vị tư vấn có uy tín để lập các mô hình với các kịch bản khác nhau về lan truyền ô nhiễm, thay đổi độ mặn, nước biển dâng…
Liên quan đến thông tin có một số ý kiến cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án còn sơ sài, không đầy đủ hoặc thiếu nhiều điều kiện, ông Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh, để đảm bảo tính khách quan, cẩn trọng, hồ sơ đề nghị phê duyệt ĐTM của dự án có các báo cáo chuyên đề kèm theo.
Đó là, báo cáo ĐTM của Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ; Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch khu đô thị lấn biển Cần Giờ; Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học do Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện; Báo cáo đánh giá tác động giao thông do Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải thực hiện; Báo cáo đánh giá lan truyền ô nhiễm nước thải từ dự án do Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống, Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện; Báo cáo thẩm tra thuỷ thạch động lực do Trường Đại học Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện.
Đặc biệt, đối với rừng ngập mặn Cần Giờ, Vụ trưởng Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường cho biết, dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển vùng ngập mặn Cần Giờ chứ không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của Unesco. Những biện pháp thi công là tiên tiến, nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất.
“Kết quả đánh giá ĐTM thông qua các mô hình toán cho thấy dự án tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ”, ông Nguyễn Xuân Hải nêu rõ.
Tuy nhiên, việc khai thác vật liệu san lấp phải tiếp tục thực hiện đánh giá ĐTM khi có các thông tin dự án đầu tư cụ thể, chính xác hơn về nguồn, vị trí khai thác và vận chuyển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ khi cải tạo khu vực biển hồ trong dự án và tận dụng tối đa tài nguyên như các nguồn nạo vét, tro xỉ, đáp ứng yêu cầu san lấp để hạn chế tối đa việc khai thác vật liệu từ bên ngoài và sẽ được xem xét theo các quy định của pháp luật.