TTO - Các bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với các địa phương, thường xuyên trực tiếp xử lý, giải quyết bức xúc trong đời sống nhân dân, không để mất thời cơ xử lý.Thủ tướng: Tư lệnh ngành không được im lặng, phải trực tiếp giải quyết bức xúc của nhân dân - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu không tổ chức đi chúc tết cấp trên - Ảnh: QUANG HIẾU

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu này trong phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. 

Sau hai ngày lắng nghe ý kiến từ các bộ ngành, địa phương, đại diện các doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các vấn đề được nêu trong cuộc họp cần sớm được rà soát và đưa vào nghị quyết của Chính phủ.

Trực tiếp xử lý những bức xúc trong đời sống và sản xuất kinh doanh

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với các địa phương, thường xuyên trao đổi trực tiếp xử lý vấn đề phát sinh, giải quyết bức xúc trong đời sống nhân dân, không để mất thời cơ xử lý.

"Các bộ ngành, địa phương thường xuyên trao đổi, xử lý các vấn đề bức xúc trong sản xuất kinh doanh, không văn bản qua, giấy tờ lại làm mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh. Phong cách làm việc mới phải được đưa ra để chấn chỉnh nạn quan liêu, giấy tờ" - Thủ tướng nêu rõ.

"Từ đầu năm phải bắt tay vào việc. Cần phải có tâm huyết, sáng tạo, lăn xả, hi sinh làm việc cho bộ, ngành mình phát triển" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Hướng đến năm 2021, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém, đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua.

Thủ tướng cho rằng nguy cơ, thách thức đặt ra trong năm 2021 là kinh tế thế giới diễn biến phức tạp khó lường, xu hướng bảo hộ diễn ra, đặc biệt COVID-19 tác động tiêu cực và kéo dài. Trong nước gặp khó khăn do tác động dịch bệnh, thiên tai, hạn hán...

Nhấn mạnh chủ đề năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển", với định hướng điều hành là đổi mới tư duy phát triển hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, đón dòng vốn đầu tư, chuyển đổi số, Thủ tướng kêu gọi cả nước phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị với niềm tin và khát vọng mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu thành công và toàn diện các mục tiêu, định hướng chiến lược, sớm thực hiện hóa khát vọng phát triển để 2045 đưa Việt Nam thành nước có thu nhập cao.

Phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%

"Phấn đấu Việt Nam là nền kinh tế năng động, sáng tạo, tăng trưởng nhanh nhưng bền vững. Xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là động lực quan trọng, tạo nền tảng vững chắc vĩ mô mà còn đảm bảo việc làm, thu nhập, thực hiện chính sách an sinh xã hội, chống tụt hậu và thu hẹp khoảng cách phát triển. 

Cỗ xe tam mã gồm sản xuất - tiêu dùng - xuất khẩu cần được vận hành đồng bộ, quyết liệt. Mỗi % GDP tăng trưởng giải quyết hàng trăm nghìn việc làm" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, với mục tiêu Quốc hội đề ra tăng trưởng GDP là 6%, Chính phủ và Thủ tướng đặt ra mục tiêu phấn đấu là 6,5% hoặc cao hơn.

Thủ tướng nêu lên các định hướng để đạt được mục tiêu này. Đó là phát huy ngành có thế mạnh, công nghệ thông tin, y tế, nông nghiệp sạch công nghệ cao và du lịch, dịch vụ.

"Tinh thần là bắt kịp, tiến cùng vượt lên khu vực hoặc mặt bằng chung của khu vực và thế giới, phấn đấu đưa Việt Nam là cường quốc nông nghiệp, sản xuất nông sản sạch và hiện đại" - Thủ tướng nói.

"Quản trị thế nào cho địa phương, ngành có hiệu quả, hay chúng ta chỉ họp suốt mà không có sản phẩm?" - người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu từng bộ sớm đề xuất tháo gỡ thể chế còn ràng buộc, tháo gỡ thể chế như đất đai, các bộ ngành và lãnh đạo chú trọng đổi mới quản trị quốc gia, đổi mới quản lý bộ máy nhà nước, phân cấp phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo.

Đối với các địa phương và các tập đoàn kinh tế, Thủ tướng yêu cầu việc làm ngay là "tạo mặt bằng cho phát triển sản xuất và nguồn nhân lực đón bắt dòng đầu tư mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, có cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn, thu hút nhân lực từ các tập đoàn hàng đầu thế giới".

Không tổ chức đi chúc tết lãnh đạo

Thủ tướng yêu cầu việc đón năm mới 2021 và Tết Nguyên đán không được lơ là trong phòng chống dịch COVID-19. Mọi gia đình, cơ quan cảnh giác để đón tết yên vui. Quản lý thị trường ổn định giá cả, không để xuất hiện hàng gian, hàng giả.

Đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân, lo cho người dân đón tết vui tươi, an toàn, nhất là người dân vùng yếu thế, khó khăn, vùng thiên tai.

"Đặc biệt, không tổ chức đi chúc tết cấp trên, lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu tặng quà tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, không sử dụng xe công trong khu vực vui chơi" - Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu này.

THANH HÀ - NGỌC AN