Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.
Trung tâm hòa giải, đối thoại sẽ là nơi hòa giải đầu tiên trước khi TAND thụ lý và đưa vụ án dân sự, hành chính ra xét xử
 /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trung tâm hòa giải, đối thoại sẽ là nơi hòa giải đầu tiên trước khi TAND thụ lý và đưa vụ án dân sự, hành chính ra xét xử
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
 
Theo đó, hòa giải, đối thoại theo quy định của luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính.
Về kinh phí hòa giải, theo luật này, nhà nước bảo đảm kinh phí hòa giải, đối thoại tại tòa án từ ngân sách nhà nước. Trừ các chi phí như: chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.
Về thời hạn hòa giải sẽ là 20 ngày kể từ ngày hòa giải viên được chỉ định. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
Ngoài ra, theo điều 19 luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thì có một số trường hợp sẽ không tiến hành hòa giải, đối thoại, như: yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản nhà nước; vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; các bên được mời tham gia hòa giải hợp lệ lần 2, nhưng vẫn vắng mặt không lý do; một bên vợ hoặc chồng tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; một trong các bên đề nghị không hòa giải, đối thoại; một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Một điểm đặc biệt trong luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, là Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trừ trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại điều 33 của luật này. Thời hạn đề nghị xem xét lại là 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định công nhận của tòa án.
 
Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020, quy định Viện KSND tối cao có thêm chức năng giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự. Cụ thể, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.