Thời gian gần đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (Seabank) nhận được nhiều phản ánh từ khách hàng về việc bị một số đối tượng tự xưng là nhân viên tín dụng của Seabank chuyên hỗ trợ tài chính để xử lý nợ xấu cho khách hàng. Tuy nhiên, thực chất đây là hành vi lừa đảo của đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng.
Hứa xử lý hồ sơ nhanh, không cần giấy tờ
Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện trang có tên “Tài chính Bank” với những bài viết có tiêu đề nổi bật như “Hỗ trợ vay vốn toàn quốc - ai khó khăn về kinh tế thì đã có em”.
Trang này giới thiệu là kênh hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Seabank chuyên nhận làm hồ sơ vay vốn, nhận xử lý hồ sơ đang có nợ xấu. Nơi đây cam kết lãi suất ưu đãi, hồ sơ đơn giản, giải ngân trong thời gian ngắn chỉ từ ba đến năm ngày.
Đặc biệt qua kênh này có thể vay 50-500 triệu đồng mà không cần giấy tờ cũng như không cần chứng minh thu nhập.
Để nhận được khoản hỗ trợ tài chính, khách hàng phải gửi cho các đối tượng tên HCH hơn 700.000 đồng/người tiền phí làm hồ sơ. Nhằm tạo lòng tin cho người khác, đối tượng mở tài khoản tại Ngân hàng Seabank. Khi khách hàng tỏ ý lo ngại thì người giả mạo gửi hình ảnh cho biết là cán bộ tín dụng của ngân hàng.
Anh Trần Trung Phi, một khách hàng bị đối tượng yêu cầu chuyển tiền làm hồ sơ, cho biết: “Tôi cần tiền để làm vốn kinh doanh. Thấy thông tin đây là người của ngân hàng, người này gửi cả card visit (thẻ giới thiệu) là làm trong Ngân hàng Seabank nên tôi tin tưởng chuyển khoản 700.000 đồng để làm hồ sơ. Một thời gian sau khi chuyển thì không liên lạc được với đối tượng này nữa. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa. Hiện nay trang Facebook “Tài chính Bank” cũng đã khóa và rất có thể đối tượng lừa đảo đã lập các trang khác để tiếp tục đi lừa”.
Lợi dụng kẽ hở mở tài khoản trực tuyến, đối tượng lừa đảo giới thiệu là cán bộ ngân hàng rồi yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí để làm hồ sơ. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Đường đi của chiêu thức lừa đảo
Phía Ngân hàng Seabank cho biết sau khi xác minh, kiểm tra đã phát hiện một số tài khoản có dấu hiệu bất thường trong giao dịch.
Cụ thể, một chủ tài khoản mở tại Chi nhánh Tân Phú có tên là HCH. Tài khoản này mở chưa đầy một tháng nhưng liên tục nhận được các khoản tiền 700.000 đồng. Điều đáng ngờ là ngay sau khi nhận tiền thì chủ tài khoản rút tiền ra luôn. Ngoài ra, tài khoản này còn có giao dịch nhận tiền từ một công ty tài chính.
Tài khoản này mở bằng hình thức trực tuyến (không đến trực tiếp ngân hàng để đăng ký mở tài khoản). Chưa đầy một tháng, số tiền tài khoản này nhận về đã hơn 110 triệu đồng. Hiện Seabank đã phong tỏa tài khoản nêu trên.
Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng cảnh báo mọi người không nên giao dịch dựa vào những thông tin trên mạng xã hội, không cung cấp thông tin cá nhân tùy tiện.
Coi chừng những khoản vay từ trên trời rơi xuống Lợi dụng sơ hở trong chính sách mở tài khoản dễ dàng của các ngân hàng, các đối tượng sử dụng CMND của người khác để mở tài khoản. Các đối tượng có thể lấy số CMND từ các chỗ xử lý khoản vay cho khách hàng có nợ xấu hoặc từ nhiều nguồn khác nhau. Để mở được tài khoản thanh toán, khách hàng chỉ cần thực hiện với thủ tục đơn giản như không cần đến ngân hàng, khách hàng chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân (CMND), điền vào mẫu đơn sau đó ký rồi gửi là có thể mở được tài khoản. Sau khi mở được tài khoản, các đối tượng này dùng chính tài khoản mới mở nhận tiền lừa đảo từ mọi người. Về bản chất CMND dùng để mở tài khoản là thật nhưng chủ sử dụng tài khoản là một người khác. Sau khi có được tài khoản dùng để nhận tiền lừa đảo, các đối tượng khai thác dữ liệu khách hàng có nợ xấu từ các tổ chức tín dụng hoặc thông qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội Facebook để tư vấn, hỗ trợ tài chính sau đó lừa đảo thu phí làm hồ sơ từ khách hàng. Nguy hiểm hơn, các đối tượng này lợi dụng cơ chế vay dễ dàng của một số công ty tài chính hiện nay, phù phép thêm vào hồ sơ khách hàng hiện có để đăng ký vay tiêu dùng. Hậu quả là khách hàng phải gánh chịu các khoản vay từ trên trời rơi xuống. Ông PHẠM NHẤT ANH PHA, chuyên gia tín dụng |