Ngày 30-12, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013 đến nay. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013 đến nay. Báo cáo nêu rõ: lực lượng Công an nhân dân đã luôn bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân để triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, biện pháp công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang tính đột phá, đóng góp xứng đáng vào những thành tích chung của cả nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tham nhũng, từ năm 2013 đến nay, lực lượng Công an nhân dân đã tiếp nhận 1.074 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng (đã xử lý 100% các nguồn tin, trong đó kết luận, giải quyết 863 đơn theo chức năng, nhiệm vụ, khởi tố 292 vụ án, 409 bị can). Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 1.856 vụ với 4.072 bị can phạm tội về tham nhũng, thu hồi gần 19.500 tỷ đồng và trên 290.000m2 đất. Lực lượng đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 1.718 vụ, 4.768 bị can. Trong đó đã điều tra 120/133 vụ, chiếm 91% các vụ án lớn thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Nổi bật, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc còn tồn đọng, với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù bất kể đó là ai”, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài; phát hiện xử lý một số vụ việc để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa trong cả một lĩnh vực, một địa bàn; việc mở rộng điều tra các vụ án được thực hiện triệt để hơn, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi của các đối tượng. Công tác thu hồi tài sản đã được Bộ Công an quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả, triệt để hơn; tỷ lệ thu hồi tài sản năm sau cao hơn năm trước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Tại hội nghị, ghi nhận những thành tích của lực lượng Công an nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng Bộ Công an; trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba tặng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhất tặng Bộ trưởng Tô Lâm, Thứ trưởng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 1 tập thể và 1 cá nhân.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Thanh tra Bộ Công an; trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, chiến công mà lực lượng Công an nhân dân đã đạt được. Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân cần xác định đúng vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng, phát huy những mặt tích cực đã đạt được, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế, để đẩy mạnh hơn nữa, thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ trọng tâm đối với lực lượng Công an nhân dân, trong đó nêu rõ, từng đơn vị, từng lãnh đạo Công an các cấp, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc về tình hình, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, toàn ngành cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, kế hoạch công tác cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra; tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên trì, thực hiện liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Quá trình điều tra các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phải luôn đảm bảo yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ và đúng sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cần phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng ngừa tham nhũng; tập trung tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập; làm tốt hơn nữa các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí. Xử lý các đối tượng phạm tội một cách triệt để, nghiêm minh, thận trọng, thấu đáo, chặt chẽ, trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm, nhân văn, thuyết phục, có lý có tình... góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng, để người dân, doanh nghiệp tin tưởng vào công lý, chân lý, nâng cao niềm tin trong toàn xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Bộ Công an. Ảnh: TTXVN. |
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, lực lượng Công an nhân dân sẽ luôn là lực lượng đi đầu, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; "không để con sâu làm rầu nồi canh"... làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng Công an trong quần chúng nhân dân.
Nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an phải xác định rằng, danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, phải luôn giữ gìn danh dự, uy tín của cơ quan, của bản thân, của toàn ngành; giữ vững kỷ cương, kỷ luật, cố gắng vượt bậc, tiếp tục đoàn kết, thống nhất, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, để lực lượng Công an nhân dân đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy, tuyệt đối trung thành, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương tập trung nghiên cứu tinh thần của hội nghị; phải nhận thức đầy đủ về yêu cầu, nhiệm vụ và những quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, xác định trách nhiệm thực hiện, cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác này; đồng thời làm tốt hai nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng ngoài xã hội theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân và phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng trong nội bộ.