LĐO - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Chúng ta phải dám bỏ những quyền lợi mang tính cát cứ, bộ phận nhỏ, đồng thời chịu sự giám sát, giải trình, thay đổi tư tưởng theo hướng một Chính phủ phục vụ.
Nhân dịp đầu năm mới 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời phỏng vấn một số cơ quan báo chí, nhìn lại sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, đặc biệt là năm 2020 với rất nhiều khó khăn, thử thách.
Vượt khó khăn, đạt nhiều dấu ấn quan trọng
PV: Nhìn lại năm 2020 vừa đi qua và rộng hơn là cả nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ trưởng có thể cho biết những dấu ấn trong hoạt động của Chính phủ?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chúng ta đã kết thúc nhiệm kỳ 5 năm 2016- 2020 để bước sang một giai đoạn mới và bắt đầu năm đầu tiên triển khai nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Năm 2020, chúng ta gặp vô vàn khó khăn, đầu tiên là biến đổi khí hậu tác động rất tiêu cực: Rét đậm, rét hại ở Tây Bắc, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn lịch sử ở ĐBSCL, mưa lũ miền Trung gây thiệt hại vô cùng lớn. Việt Nam cũng phải đối diện đại dịch COVID-19 chưa từng có, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Trước thách thức rất lớn như vậy nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có vai trò của Thủ tướng, chúng ta kết thúc năm 2020 với những kết quả rất đáng khích lệ. Tăng trưởng đạt 2,91%, bình quân 5 năm đạt 5,9%. Các chỉ số vĩ mô từ lạm phát đến nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đều đảm bảo dưới mức Nghị quyết của Quốc hội giao. Các chỉ tiêu vượt và hoàn thành cũng cao hơn các năm 2018, 2019.
Trong khó khăn nhưng năm 2020 và cả nhiệm kỳ vẫn tăng thu ngân sách, mỗi năm có khoảng 120.000 đến 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Như vậy chúng ta đã rất thành công.
Vấn đề xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm rất lớn. Dòng vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đều tăng (xuất siêu 19 tỉ USD). 2020 cũng là năm giải ngân vốn đầu tư công rất cao, đạt 82,3%. Cùng với đó là thu nhập của người dân đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, an ninh - quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại để lại nhiều dấu ấn… và có lẽ cũng chưa có nhiệm kỳ nào ký được 4 hiệp định như vừa qua.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định là chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Kết quả trên đạt được trước hết do kiểm soát tốt dịch bệnh. Chúng ta sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân. Nhìn lại mới thấy sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đó rất quyết liệt và sáng suốt, vì nếu du di thì có lẽ không thể lường hết được hậu quả.
Đột phá quan trọng về hoàn thiện thể chế, pháp luật
PV: Thưa Bộ trưởng, để đạt được những kết quả thành công đó, chúng ta đã phải rất nỗ lực, quyết liệt trong thực hiện cải cách thể chế, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Trong 3 điểm nghẽn mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nêu ra có vấn đề liên quan đến thể chế. Ngay đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã nêu thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động để phục vụ người dân, doanh nghiệp và chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế.
5 năm qua, Chính phủ đã trình 78 dự án luật, pháp lệnh và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 59 dự án. 744 nghị định của Chính phủ và 235 quyết định của Thủ tướng được ban hành. Tôi cho rằng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tạo đột phá rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Cải cách hành chính cũng như tinh gọn bộ máy, biên chế cũng rất tốt. Bước vào nhiệm kỳ, ta vẫn nghe câu chuyện sản xuất một cái kẹo sôcôla phải có 13 giấy phép, một mặt hàng chịu sự kiểm soát của 3 đến 4 bộ, hoặc nhiều đơn vị trong một bộ. Như vậy là rào cản rất lớn. Từ đó, Chính phủ xác định điểm đột phá đi vào cải cách hành chính.
Kết quả là văn bản nợ đọng đã giảm rất nhiều; rà soát những điều kiện kinh doanh, thủ tục được cho là rào cản gia nhập thị trường, làm tăng chi phí và thời gian của doanh nghiệp và người dân để sửa đổi, bổ sung. Trong nhiệm kỳ qua, đã cắt bỏ được: 3.893 điều kiện kinh doanh, giảm được 63%; 6.776/9.926 thủ tục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (hơn 68%). 1.501 thủ tục chồng chéo cũng đã được phân cấp, xử lý rõ ràng về trách nhiệm.
Phải dám cắt bỏ rào cản, lợi ích nhóm hướng tới lợi ích chung
PV: Ông từng nhiều lần nhấn mạnh rằng xây dựng Chính phủ điện tử thì điều quan trọng nhất là phải dám bỏ quyền lợi riêng, cục bộ. Vấn đề này có sự chuyển biến như thế nào sau thời gian nỗ lực thực hiện, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, hồ sơ giấy là rào cản rất lớn, nhưng muốn cắt giảm cũng liên quan đến quyền lợi, sự cát cứ mà thực chất là lợi ích nhóm. Minh bạch thì phải dám cắt bỏ những lợi ích như thế để hướng tới cái chung.
Như Nghị định 38 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cắt bỏ khoảng 95% điều kiện, thủ tục hành chính nhưng chúng ta vẫn kiểm soát tốt hàng hóa nhập khẩu, vẫn đảm bảo những thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật chứ không phải dỡ bỏ, mở toang mà không có sự kiểm soát.
Xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số thì người dân không phải đến cơ quan hành chính nhà nước rồi tiếp xúc với cán bộ thi hành công vụ. Từ đó giảm được chi phí chính thức và phi chính thức, tạo dựng sự minh bạch, hạn chế “tham nhũng vặt”.
Văn phòng Chính phủ tiên phong thực hiện khi từ tháng 6.2018 thực hiện phi giấy tờ, tất cả hồ sơ là điện tử hóa từ khâu nhận văn bản, xử lý cũng như chữ ký số, ban hành. Không còn chuyện người dân, doanh nghiệp phải đến đến cơ quan để xin văn bản.
Như vậy chúng ta phải dám bỏ những quyền lợi mang tính cát cứ, bộ phận nhỏ, đồng thời chịu sự giám sát, giải trình, thay đổi tư tưởng theo hướng một Chính phủ phục vụ.
PV: 4 năm trước, khi ông về giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhiều người nói “Bộ trưởng có quyền rất to” vì Văn phòng Chính phủ là “siêu bộ”. Sau gần một nhiệm kỳ, nhìn lại, ông suy nghĩ gì về nhận định này?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tôi nhớ hơn 4 năm trước, vào tháng 4.2016, khi nhậm chức, tôi đã nhận được câu hỏi là “ông đánh giá thế nào khi nhậm chức tại Văn phòng Chính phủ - một “siêu bộ”?”. Khi đó, tôi khẳng định ngay Văn phòng Chính phủ không phải “siêu bộ”.
Theo quy định của luật, Văn phòng Chính phủ là cơ quan tổng hợp có chức năng tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng. Nếu tư duy theo kiểu “quyền anh, quyền tôi” thì sẽ tự tạo ra rào cản, tạo ra một thứ quyền lực không thể kiểm soát. Vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ.
Thủ tướng là người đã truyền cảm hứng về tinh thần cải cách, về mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo ấy. Vì vậy, là cơ quan sát cánh cùng Chính phủ, Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ luôn gương mẫu, đi đầu trong nhiệm vụ này.
Có những vấn đề liên quan đến rào cản, khó khăn, vướng mắc từ các bộ, địa phương đưa lên, tôi phải gọi điện trực tiếp, yêu cầu cán bộ báo cáo, giải trình về cách xử lý hồ sơ. Qua hệ thống, chúng tôi cũng có thể theo dõi công việc của các cán bộ Văn phòng Chính phủ và truy trách nhiệm ngay, đây là điểm rất khác với đầu nhiệm kỳ.
Văn phòng Chính phủ luôn xác định không có chuyện “quyền anh, quyền tôi”, không bao giờ co kéo quyền lực, lợi ích về phía mình, và đây chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc chứ không phải “siêu bộ”.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!.