Ông NGUYỄN TÚC: Trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn đảng và bộ máy nhà nước là một dấu son trong hoạt động của Đảng và Nhà nước ta; là nhân tố có tính quyết định tạo chuyển biến toàn bộ tình hình chung của đất nước, giúp Việt Nam không bị khủng hoảng kinh tế - xã hội. Kết quả thể hiện đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng chống tham nhũng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và “không có đặc quyền”. Chính những điều đó đã củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tôi cho rằng, với sự vào cuộc của nhân dân, khi PCTN đã trở thành phong trào thì công cuộc PCTN sẽ ngày càng quyết liệt và mạnh mẽ hơn.
Nhiều ý kiến đánh giá nạn “chạy chức, chạy quyền” đã được ngăn chặn hiệu quả trong thời gian qua?
Tôi cho rằng, qua thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm về công tác cán bộ. Trong nhiệm kỳ qua, nạn “chạy chức, chạy quyền” đã được hạn chế rất nhiều. Đảng đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng cơ chế giám sát quyền lực. Ngoài các cơ quan có chức năng giám sát, chúng ta cũng đã phát huy dân chủ, sự giám sát của nhân dân trong vấn đề này.
Để PCTN hiệu quả, theo ông chúng ta cần tiếp tục ở khâu nào?
Có thể nói, công tác đấu tranh PCTN trong mấy năm qua đã được đẩy lên một giai đoạn mới cao hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và đạt được rất nhiều kết quả cụ thể, có tính đột phá. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh PCTN phải toàn diện trên nhiều mặt. Để người ta không muốn tham nhũng thì cuộc sống phải khấm khá. Nhưng cuộc sống của cán bộ còn nhiều khó khăn. Để người ta không dám tham nhũng thì cơ chế phải nghiêm. Nhưng cơ chế, chính sách của chúng ta đang còn lỗ hổng. Do đó, chúng ta cần tiếp tục rà soát, còn vấn đề gì chưa phù hợp thì bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện, tức chúng ta phải “bịt” được những lỗ hổng mà những kẻ tham nhũng có thể lợi dụng để trục lợi.
Muốn bịt” được những lỗ hổng đó, phải dựa vào dân. Cần nâng cao, huy động sức mạnh của dân và đưa quy chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thành pháp lệnh và quyền của dân là quyền tối thượng. Bởi PCTN đã thật sự trở thành phong trào quần chúng, thành xu thế “không thể cưỡng lại”.
Tôi nghĩ rằng, PCTN phải là đồng bộ của nhiều giải pháp. Trong những sai lầm, khuyết điểm mà các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao nhiệm kỳ qua phạm phải, ngoài trách nhiệm chính của các đồng chí đó không thể không nói đến trách nhiệm của tập thể. Tôi cho rằng, phải có người chịu trách nhiệm về việc đó. Do đó, tôi rất mong Hội nghị Trung ương 15 tới đây, Trung ương sẽ xem xét trách nhiệm cụ thể về việc để xảy ra tình trạng mất cán bộ như vừa qua.
LÂM NGUYÊN