PNO - Về lý thuyết, virus đột biến là để tìm cách chung sống với con người.
Ngày 2/1/2021, Việt Nam công bố ghi nhận trường hợp đầu tiên mang chủng virus SARS-CoV-2 đột biến. Đây là một phụ nữ sinh năm 1976, quê ở Trà Vinh, trở về từ nước Anh (bệnh nhân 1.435). Chồng của chị đang ở Anh cũng được xác định dương tính với COVID-19.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định: virus đột biến là điều mà các chuyên gia đã sớm nhận định, nhất là với các virus gây bệnh ở đường hô hấp như virus gây bệnh cúm.
Đột biến là phương thức để virus tìm cách sống chung lâu dài với cơ thể con người. Bác sĩ Trương Hữu Khanh lạc quan đánh giá: đa phần các chủng virus đột biến thường sẽ gây bệnh nhẹ hơn. Thật ra, virus không muốn tìm cách tiêu diệt con người mà chỉ là tìm cách để sống chung lâu dài.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chia sẻ: “Tài liệu y văn về chủng virus SARS-CoV-2 đột biến cho thấy nó có thể tạo ra tốc độ lây lan nhanh hơn, số người bị nhiễm sẽ tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, độc lực vẫn như cũ, không mạnh hơn. Vì sao virus lại đột biến? Đây là bản chất của virus, đột biến nhằm thích nghi để tồn tại”.
Theo bác sĩ Vĩnh Châu, với chủng virus đột biến SARS-CoV-2 thì việc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần (F1) sẽ khó hơn trước. Kiểm soát các trường hợp nhập cảnh phải chặt hơn, không chỉ người về từ nước Anh mà tất cả các nước khác vì chủng đột biến đã lan tràn rất nhiều nơi trên thế giới. Nếu virus đột biến lọt vào được thì việc truy vết các ca F1 phải đảm bảo nhanh nhất trước khi virus lan ra cộng đồng. Nhất là thời điểm hiện nay, hiệu quả của vắc xin ngừa COVID-19 vẫn chưa chắc chắn.
Với chủng virus đột biến, tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng việc phòng dịch theo tiêu chí 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) như hiện nay của Bộ Y tế vẫn đảm bảo được, tất nhiên là phải tuân thủ nghiêm hơn. Người dân nên cẩn trọng vì virus đột biến có lúc hiền lành nhưng có khi lại dữ hơn chủng ban đầu.
Việc phòng ngừa COVID-19 cần phải chặt chẽ hơn khi xuất hiện biến chủng virus SARS-COV-2 |
Như Báo Phụ nữ TPHCM thông tin, sau khi giải trình tự gen, Viện Pasteur TPHCM phát hiện bệnh nhân 1.435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01 - là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời chủng cho người phụ nữ cũng có đột biến D614G vốn là chủng được cho làm lây lan nhanh dịch COVID-19 cách đây 4-5 tháng. Sau khi nhập cảnh và cách ly một ngày, bệnh nhân có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ và được lấy mẫu chuyển về Viện Pasteur TPHCM làm xét nghiệm khẳng định dương tính vào ngày 24/12/2020. Đồng thời, bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Trà Vinh với chẩn đoán viêm amidan cấp. Ngày 31/12/2020, bệnh nhân có ho nhẹ, không đau họng, không sốt, chưa ghi nhận khó thở, hình ảnh X-quang có tổn thương mờ không đồng nhất hai đáy phổi. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi. |
Hiếu Nguyễn