(Thanhuytphcm.vn) - Bộ VHTT-DL vừa phê duyệt đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020-2030. Đây là bước quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam góp phần phát triển thị trường văn hóa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, trao đổi tác phẩm, sản phẩm văn hóa.
 
Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” được phê duyệt thực hiện từ 2020-2030

Nghề sơn đã có một lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Sơn ta thường được dùng chủ yếu để sơn gắn các đồ dùng, sơn thuyền, sơn vũ khí, làm các đồ thờ cúng, trang trí đình chùa… Sau này, sơn ta được dùng vào các công việc trang trí. Sản phẩm sơn mài sử dụng chất liệu sơn ta kết hợp với kỹ thuật mài độc đáo có khả năng vô cùng đặc biệt tạo nên chất mịn màng, óng chuốt, độ bóng, chiều sâu, hay huyền bí, lộng lẫy sang trọng. Không chỉ được thế giới biết đến với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và tác phẩm hội họa nổi tiếng, sơn mài mang một sức truyền cảm mạnh mẽ của một truyền thống văn hóa cổ xưa in đậm nét trong tâm thức của người Việt. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và hội họa sơn mài là những sản phẩm, tác phẩm độc đáo bởi chất liệu sơn ta và quy trình chế tác, nghệ thuật sáng tạo, cần được xây dựng trở thành sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Theo lộ trình đề án sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn với các mục tiêu chính như  xây dựng logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”; Ban hành quy trình chế tác, tiêu chuẩn nguyên vật liệu; Đầu tư, quảng bá, giới thiệu mô hình phát triển vùng trồng cây sơn ở Phú Thọ, làng sản xuất vàng quỳ, bạc quỳ ở Bắc Ninh…

Việc quảng bá, bảo tồn và phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề sơn mài truyền thống cũng được đưa ra với hai địa chỉ là làng nghề Sơn mài Hạ Thái, Hà Nội, làng Sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Theo đề án của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm, dự kiến sẽ tiến tới tổ chức liên hoan “Nghệ thuật Sơn mài quốc tế” tại Việt Nam.

Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia Nghệ thuật sơn mài Việt Nam hướng tới việc đưa các sản phẩm, tác phẩm sơn mài Việt Nam trở thành sản phẩm văn hóa, nghệ thuật góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa. Hoạt động này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Tôn vinh chất liệu, người trồng cây và người làm công cụ. Tạo điều kiện, đầu tư, hỗ trợ, phát triển vùng trồng cây sơn ở Phú Thọ và các vùng, làng nghề làm nguyên vật liệu để chế tác sơn mài.

Trúc Anh