Ngày nay, nhiều bạn trẻ không tiếc tiền đầu tư học đủ thứ môn thời thượng, từ kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ... nhưng dường như ít ai để ý đến lời ăn tiếng nói của mình trên mạng xã hội.
Ít ai để ý đến lời ăn tiếng nói của mình trên mạng xã hội /// Ảnh minh họa: Nguyễn Khánh
Ít ai để ý đến lời ăn tiếng nói của mình trên mạng xã hội
ẢNH MINH HỌA: NGUYỄN KHÁNH
 
Ông bà ta có câu “học ăn học nói” ngụ ý ngoài việc học cách ăn uống sao cho nhã nhặn, lịch sự, học nói cũng là một điều quan trọng không kém để ứng xử tế nhị, có văn hóa. Ngày nay, nhiều bạn trẻ không tiếc tiền đầu tư học đủ thứ môn thời thượng, từ kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ... nhưng dường như ít ai để ý đến lời ăn tiếng nói của mình trên mạng xã hội.
Ngày trước, mỗi khi muốn để phần thức ăn cho ai, mẹ dạy chúng tôi nói “để dành” thay vì dùng chữ “chừa” để bày tỏ sự tôn trọng những người dùng bữa sau mình, bất kể người ấy già hay trẻ, lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình. Còn khi trả tiền cho ai đó thì kèm thêm chữ “xin gửi”. Những chi tiết nhỏ nhặt ấy xem chừng chẳng mấy bạn trẻ ngày nay để ý, họ viện cớ không có thời giờ cho những “tiểu tiết” như vậy dù họ có thừa thời gian để làm nhiều việc khác.
Mỗi người đều có một quan điểm sống khác nhau. Nhưng cứ mỗi khi lên mạng, vào những trang hay diễn đàn có nhiều người theo dõi sẽ dễ dàng nhận ra nhiều bạn trẻ nói năng bạt mạng, văng tục không biết ghê và mạt sát người khác không tiếc lời dù hình ảnh đại diện và “lý lịch” trên mạng khá đẹp đẽ.
Tôi có anh bạn ở nước ngoài đã lâu nhưng có khách đến nhà, con cái dù đã lớn vẫn khoanh tay cúi đầu chào khách bằng tiếng Việt rất lễ phép, anh không thích con mình nói năng, chào hỏi theo “kiểu Mỹ”, chỉ đơn giản là “hi!” hay “hello!” nghe cụt lủn, không trang trọng. Mà thực ra, phụ huynh bây giờ mà còn chú ý đến những “tiểu tiết” như anh xem chừng hơi hiếm, nhất là giữa xứ sở không quá câu nệ mọi chuyện như người Á Đông.
Bạn có bao giờ nói năng nhỏ nhẹ, ngọt ngào với mọi người xung quanh? Nói năng, không chỉ là chuyện phát âm cho tròn vành rõ chữ, câu cú chỉn chu, không cắt ngang lời người khác đang nói mà còn là nói năng sao cho tử tế, giọng nói nhẹ nhàng, không cục cằn, thô lỗ, ngôn từ đúng mực, không gây tổn thương hay xúc phạm người nghe, hạn chế nói những lời không cần thiết nếu không thể nói những lời dễ nghe...
Giao tiếp, nói năng, cách ứng xử phải nhã nhặn, biết tiết chế khi giao tiếp trên các mạng xã hội bởi đó cũng là một cách “nói”, ít nhiều thể hiện nhân cách của một người.