LĐO - Ngành giao thông TPHCM đang rốt ráo xây dựng đề án “Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải môtô, xe máy đang lưu hành" nhằm hạn chế lượng lớn xe máy "quá đát", thải khí gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp ưu tiên hàng đầu ở TPHCM là khuyến khích thu hồi xe cũ kém chất lượng, mất an toàn để kiểm soát khí thải.
Nhiều xe cũ nát vẫn bon bon trên phố
Tại TPHCM có rất nhiều xe máy đăng ký trước năm 2000 đang được người dân dùng chuyên chở hàng hóa buôn bán tại các chợ. Ghi nhận ngày 5.1, tại khu vực Chợ Lớn (quận 5), xe Cub 50, Honda Dream, Wave có tuổi đời hàng chục năm được "nâng cấp", "chắp vá" để tận dụng chở hàng. Không ít người lái xe này ỷ là xe “quá đát” nên đã phóng nhanh, vượt ẩu, nổ máy ầm ĩ, phun khói đen… khiến người đi đường ngán ngại.
Qua tìm hiểu, rất ít khi người dân (dù hoàn cảnh có khó khăn) chọn những xe máy cũ kỹ, kém an toàn để làm phương tiện đi lại. Phần lớn xe máy "quá đát" còn tồn tại chủ yếu từ những người hoạt động kinh doanh, buôn bán. Quan sát tại các cửa hàng kinh doanh, trang trí nội thất, nước uống, bình gas… tại khu vực Chợ Lớn có nhiều xe máy "quá đát" dựng bên ngoài. Khi khách hàng cần vận chuyển hàng hóa sẽ có người làm thuê lái xe "quá đát" chở hàng hóa đi giao để đỡ chi phí vận chuyển cho người kinh doanh.
Anh Nguyễn Văn Bình (phường 15, quận 5) đang sử dụng chiếc xe Cub 82 mua từ năm 1995, nhưng anh cho rằng đến nay xe vẫn còn rất tốt. “Tôi vẫn thay nhớt và bảo quản xe vì đây là phương tiện chính chạy chợ hằng ngày. Tôi không biết loại xe này được dùng bao năm thì phải bỏ” – anh Bình băn khoăn. Tương tự, anh Mai Văn Thành (phường 13, quận 5) cho biết anh sử dụng chiếc xe Dream mua từ năm 1998 để chở hàng thuê quanh khu vực Chợ Lớn. “Vì xe chuyên chở nặng, sử dụng lâu ngày nên giá trị xe bây giờ gần như không còn. Tuy nhiên, đây vẫn là cần câu cơm mỗi ngày nên chưa thể bỏ ngay” - anh Thành nói.
Theo CSGT TPHCM, tình trạng xe máy “quá đát” không còi, không đèn, thậm chí không biển số... xuất hiện khá nhiều trên địa bàn TPHCM. Đây cũng là loại xe gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Trong khi đó, CSGT không thể tịch thu được số xe này vì không có quy định niên hạn sử dụng, không có quy chuẩn kiểm định. Lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý xe cũ do các đời xe chồng chéo nhau, cải tạo tùy tiện, lẫn lộn số khung, số sườn, biển số nhái, không biển số, không có giấy tờ xe... Chưa kể, khi xảy ra tai nạn, vi phạm giao thông, chủ xe cũng “bỏ của chạy lấy người” và gần như không thể truy nguồn gốc xe.
Lên kế hoạch thu hồi xe máy "quá đát"
Theo ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TPHCM), tính đến tháng 11.2020, toàn TPHCM có gần 7,5 triệu môtô, xe máy đang lưu hành. Từ tháng 5.2020 đến tháng 11.2020, Sở GTVT TPHCM đã phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) triển khai chương trình "Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải môtô, xe máy đang lưu hành" nhằm hạn chế xe “quá đát” xả thải gây ô nhiễm không khí. Qua thời gian thực hiện kiểm tra ở 8 cửa hàng xe máy, tổng số lượng xe tham gia kiểm tra khí thải là 10.682 xe. Trong đó, xe từ 5 năm trở lên tham gia kiểm tra khí thải khoảng 7.390 xe, có 6.830 xe đạt tiêu chuẩn trước và sau bảo dưỡng (92,3%), có 402 xe không đạt tiêu chuẩn (5,4%).
Việc kiểm tra thí điểm nêu trên thật ra cũng chỉ mới có ý nghĩa thăm dò vì theo nhóm nghiên cứu xác định xe máy đã lưu hành trên 5 - 10 năm ở TPHCM có khoảng 5 triệu xe, đảm nhận hơn 90% vai trò vận chuyển và xe ngoại tỉnh chiếm 16%. Nguồn khí thải từ xe máy gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, đặc biệt với các xe đã sử dụng trên 5-10 năm.
Ông Đỗ Ngọc Hải cho hay, vừa qua, VAMM đã đề xuất phương án hỗ trợ người dân TPHCM mua xe mới thay thế xe cũ không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Tuy nhiên, quan điểm của Sở GTVT TPHCM là không ủng hộ đổi xe cũ lấy xe mới vì như thế số lượng xe sẽ không giảm. Giải pháp ưu tiên hàng đầu ở TPHCM là khuyến khích thu hồi xe cũ kém chất lượng, mất an toàn để kiểm soát khí thải. Nhà sản xuất có thể thu hồi xe và hỗ trợ thêm cho người dân chứ không phải đổi xe.
Theo ông Hải, xe máy đã cũ nát, hư hỏng không đủ an toàn khi lưu thông thì cảnh sát giao thông xử phạt theo Luật Giao thông đường bộ. Còn đối với xe cũ, “quá đát”, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi. Nhà sản xuất có thể hỗ trợ tiền cho chủ xe có xe cũ phải thu hồi và hỗ trợ tư vấn sửa chữa cho xe chưa vượt niên hạn.
* Sở GTVT TPHCM tính toán cần 553 tỉ đồng để thực hiện đề án kiểm soát khí thải xe máy tại TPHCM trong 10 năm tới, qua đó giúp giảm 60.000 tấn khí độc ra môi trường/năm. Lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn: Năm 2021 sẽ ban hành quy định kiểm định khí thải xe máy trên địa bàn, đồng thời xây dựng 88 trạm kiểm định. Giai đoạn 2022-2023, áp dụng kiểm định khí thải xe máy tại các quận 1, 3, 5 và sẽ tính chi phí kiểm định mỗi xe 50.000 đồng/xe/năm, người nghèo được miễn phí. Đến năm 2024-2025, TPHCM đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng khu vực cần kiểm định khí thải thêm các quận 10, Tân Bình. Từ năm 2026 trở đi mở rộng kiểm định khí thải thêm các quận 6, 8, 11, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp. * TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT (Trường ĐH Việt Đức) cho rằng, kiểm định xe máy cũ là rất cần thiết để cải thiện tình hình không khí. Dù vậy, muốn thực hiện kiểm định khí thải xe máy hiệu quả thì phải làm rõ tác động của nó đối với môi trường, kinh tế và sức khỏe người dân. Ngoài ra, lộ trình thực hiện từng bước và nên cân nhắc dựa vào kinh nghiệm của các nước đã làm là tập trung vào những xe đã sử dụng từ 5 năm trở lên. Do lượng xe máy quá lớn nên ngoài việc xây dựng các trạm kiểm định xe máy, nên tận dụng các trạm đăng kiểm ôtô, các trung tâm bảo hành, sửa chữa xe máy. Thậm chí, tổ chức các trạm kiểm định di động như Thái Lan đã làm cũng rất thành công. |