LĐO - Chứng kiến và thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của các em học sinh vùng cao, đặc biệt là trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt, thầy giáo Vũ Xuân Quế đã phát minh ra hệ thống tạo nước nóng công suất lớn nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh đến trường.

Thấu hiểu những vất vả, khó khăn của học sinh vùng cao

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, thầy giáo Vũ Xuân Quế (36 tuổi, quê Thái Bình) có hơn 11 năm công tác tại ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh. Sau đó thầy Quế chuyển công tác về tỉnh Lào Cai và đã có 5 năm gắn bó và làm hiệu trưởng tại trường THCS và THPT huyện Bát Xát (Lào Cai).

Những ngày này, nhiệt độ ở các khu vực vùng cao tỉnh Lào Cai giảm sâu thì thầy Quế ngoài nhiệm vụ chuyên môn, còn tất bật với nhiệm vụ tư vấn và hỗ trợ các trường xây dựng hệ thống bếp ủ tạo nước nóng công suất lớn để giúp học sinh có nước nóng sử dụng

Các thầy cô giáo cùng thầy Quế trong quá trình xây dựng dự án. Ảnh: NVCC
Các thầy cô giáo cùng thầy Quế trong quá trình xây dựng dự án. Ảnh: NVCC

Trao đổi với Lao Động, thầy Quế chia sẻ: “Vào mùa đông, các em học sinh bán trú muốn có nước nóng sinh hoạt phải đun nước vất cả, thời gian sau mỗi buổi chiều tan học lại không có nhiều. Không chỉ vậy, các em phải lên rừng lấy củi vô cùng nguy hiểm, việc vệ sinh cá nhân bằng nước lạnh lại không đảm bảo về mặt sinh hoạt cho các em”.

Xuất phát từ những trăn trở đó, cùng với việc nảy sinh ý tưởng từ ký ức tuổi thơ, ngày nhỏ thường vùi cám lợn giúp bố mẹ. Dù chỉ sử dụng lượng trấu nhỏ nhưng sau một đêm, nồi cám 30 – 50 lít không chỉ sôi mà còn rất nhừ. Điều đó, đã giúp thầy sáng tạo ra hệ thống tạo nước nóng, giúp đỡ hơn 300 học sinh bán trú, nội trú có nước ấm trong mùa đông.

Năm 2019, thầy Quế đã bắt tay vào nghiên cứu hệ thống đun nước nóng công suất lớn với 3 bếp lò đun trấu đã được cải tiến loại bếp và khai trấu. Điểm mới của sản phẩm là hệ thống sử dụng công nghệ ủ giữ nhiệt giúp hạn chế tối đa việc thất thoát nhiệt lượng khi đun bếp. Không phải bố trí người trực tiếp trông coi quá trình đun nước, đặc biệt đun nước nóng dùng 24/24 giờ.

Để học sinh yên tâm đến trường

Thầy Quế chia sẻ, mong muốn lớn nhất của thầy khi phát minh ra hệ thống đun nước này là đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh trong mùa đông giá lạnh, giúp các em học sinh thêm yêu trường, yêu lớp.

Theo thầy Quế, một ngày lượng nước nóng có thể sản xuất ra từ 5000l – 8000l, nhiệt độ bình quân đạt được khoảng 50 – 70 độ C. Bên cạnh đó, nhiên liệu hiện tại đang dùng có thể tận dụng được rất nhiều nhiên liệu khác nhau như trấu, mùn cưa rồi lõi ngô, các loại củi vụn hoặc là các rác vô cơ mà trong quá trình học sinh phân loại có thể mang ra để ủ.

Hiện nay, mô hình sáng tạo của thầy Quế đã được áp dụng tại 8 trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong thời gian tới, thầy sẽ thí điểm và triển khai thêm một số trường trong tỉnh và các điểm trường tại tỉnh Hà Giang và Lạng Sơn.

“Tôi hy vọng những học sinh ở vùng cao, đặc biệt là vùng khó khăn trong thời tiết khắc nghiệt này, với hệ thống nước ấm phần nào có thể bớt đi cái giá lạnh, an tâm với việc học tập”, thầy Quế nói.

Hệ thống đun nước nóng tại trường THCS & THPT huyện Bát Xát (Lào Cai) giúp cải thiện đời sống sinh hoạt của hơn 300 em học sinh trong mùa đông giá lạnh. Ảnh: NVCC
Hệ thống đun nước nóng tại trường THCS & THPT huyện Bát Xát (Lào Cai) giúp cải thiện đời sống sinh hoạt của hơn 300 em học sinh trong mùa đông giá lạnh. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Sỹ Tiệp - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục đào tạo Lào Cai, cho biết, mô hình của thầy Vũ Xuân Quế là một mô hình rất tốt, giúp đỡ được những khó khăn cho các em học sinh vùng cao. Đây là mô hình thầy và trò cùng làm nên cũng rất quan trọng, có thể rèn luyện kỹ năng đào tạo cho học sinh.

“Từ năm ngoái đến năm nay số học sinh bỏ học giảm hẳn, mô hình sáng tạo đã tạo ra môi trường mới thu hút học sinh, các em không chán nản, không bị phân tán tư tưởng. Ban ngày các em đi học chiều về lại tham gia các hoạt động, tạo môi trường học tập vui chơi các em, thêm yêu mến trường hơn”, ông Tiệp thông tin.