Trong tương lai sẽ còn nhiều tập đoàn công nghệ lớn bước vào thị trường Việt Nam. Các trường đại học, cao đẳng phải chuẩn bị gì cho sinh viên để có thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp này?
Các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam sẽ kéo theo nhu cầu lớn về nhân lực /// MỸ QUYÊN
Các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam sẽ kéo theo nhu cầu lớn về nhân lực
MỸ QUYÊN
 

Cơ hội cho hàng ngàn lao động trẻ

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng khi các tập đoàn công nghệ lớn quyết định đầu tư vào Việt Nam, mở nhà máy sản xuất, lắp ráp các thiết bị công nghệ cao sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động trẻ ở các nghề thuộc lĩnh vực như điện, vật liệu, hóa, công nghệ thông tin, cơ khí.
"Nếu lao động Việt Nam không đáp ứng được thì họ chỉ đầu tư sản xuất hoặc lắp ráp những linh kiện, bộ phận yêu cầu kỹ năng giản đơn, giá trị thấp; còn những linh kiện cao cấp hơn, giá trị lớn hơn, yêu cầu kỹ năng phức tạp, đòi hỏi trình độ kỹ năng cao thì họ sẽ tìm đến quốc gia nào đáp ứng được trình độ cao hơn trong chuỗi giá trị để đầu tư sản xuất. Đây cũng chính là thách thức cho nhân lực Việt Nam", ông Trường nhận định.
Ông Khúc Trung Kiên, chuyên gia về lĩnh vực phần mềm đang làm việc tại Hà Nội, nguyên Giám đốc chương trình đào tạo lập trình viên Fast Track SE, cũng bình luận: "Các tập đoàn công nghệ lớn sẽ mang đến cho Việt Nam rất nhiều lợi ích, việc làm và đặc biệt là cơ hội tiếp cận những dây chuyền sản xuất và công nghệ hiện đại với tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt. Chất lượng và số lượng nguồn nhân lực rất quan trọng, có tính quyết định để các tập đoàn lớn chọn Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, có lẽ người lao động Việt Nam chỉ được tham gia những phần có hàm lượng thấp nhất".
 

Nếu không có sự chuẩn bị tốt, có lẽ người lao động Việt Nam chỉ được tham gia những phần có hàm lượng thấp nhất

Khúc Trung Kiên (chuyên gia về lĩnh vực phần mềm)

Theo ông Kiên, trước đó, tập đoàn như Intel vào Việt Nam cần hàng ngàn nhân lực trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp và phổ thông cho các vị trí như kỹ thuật viên sản xuất bậc 1, 2, kỹ sư lắp ráp, kiểm định, sản phẩm, năng suất, quản lý chất lượng, quản lý hệ thống và lắp đặt thiết bị, quản lý công nghiệp - an toàn lao động, giám sát sản xuất, công nghệ thông tin... với quy trình tuyển dụng rất khắt khe. Samsung cũng tuyển dụng số lượng lớn và đến nay nhân lực Việt làm việc cho tập đoàn này lên tới hàng trăm ngàn người.

Tư duy sáng tạo và kỹ năng thích ứng với công nghệ mới

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng các trường ĐH, CĐ muốn sinh viên (SV) của mình có cơ hội việc làm tại các tập đoàn công nghệ lớn, cần có sự chuẩn bị về chuyên môn, kỹ năng, tư duy, thái độ cho người học. “Họ đòi hỏi rất khắt khe về kỹ năng, thái độ. Công việc sản xuất trên dây chuyền đòi hỏi người lao động phải có kỷ luật cao về giờ giấc, thể hiện trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ. Muốn vậy phải có tinh thần đồng đội, kỹ năng làm việc tập thể, tôn trọng quy chế làm việc của nhà xưởng. Một chút cẩu thả có thể gây ra lỗi cho cả hệ thống băng chuyền lắp ráp hoặc ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Các tập đoàn công nghệ lớn càng khó chấp nhận thái độ thiếu chuyên nghiệp và tùy tiện, ngay cả với những công việc phổ thông nhất”, ông Vinh lưu ý.
Trong khi đó, thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng trường ĐH, CĐ phải chuẩn bị cho người học một nền tảng công nghệ thông tin vững chắc, các kỹ năng về lập trình, phần mềm, tư duy sáng tạo và luôn tiếp cận với cái mới.
“Thời nay, nếu đào tạo theo kiểu hàn lâm như trước kia thì SV sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các tập đoàn công nghệ lớn. Trường ĐH cần giúp SV có tư duy thức thời, luôn năng động, vận động để tiếp cận và thích ứng với công nghệ mới. Chẳng hạn, khi nói về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…, SV phải am hiểu ít nhiều chứ không thể ngơ khác. Muốn vậy, các trường phải có sự kết nối với chính những doanh nghiệp lớn này. Một yếu tố quan trọng nữa là ngoại ngữ phải giỏi, trong đó tiếng Anh là chủ đạo”.
Ngoài ra, theo thạc sĩ Thanh, dạy SV tư duy làm chủ, làm quản lý, lãnh đạo, tư duy khởi nghiệp rất quan trọng vì nếu không, nhân lực Việt sẽ chỉ nắm các vị trí thấp trong các tập đoàn đa quốc gia chứ hiếm khi được làm nhân sự cấp trung và cấp cao.
Tiến sĩ Thoại Nam, Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến liên ngành, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng nhận định trường ĐH, CĐ phải là nơi cung cấp nguồn nhân lực tốt, có thể đáp ứng quy trình sản xuất khắt khe của họ. “Cần đào tạo ra những người có chuyên môn sâu, tính kỷ luật cao, thái độ làm việc nghiêm túc, kỹ năng làm việc nhóm, năng lực giải quyết vấn đề, không ngừng học hỏi dù ở vị trí công việc cao hay thấp”, tiến sĩ Thoại Nam cho hay.
 
Tạo cơ hội để sinh viên tiếp cận công nghệ mới
Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, nhấn mạnh việc giúp SV, nhất là SV ngành công nghệ thông tin tiếp cận với công nghệ mới rất quan trọng. Chẳng hạn như tổ chức cho SV tham quan các trung tâm công nghệ phần mềm, các công ty về công nghệ, các showroom giới thiệu sản phẩm công nghệ…
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, cùng nhìn nhận: “Các trường ĐH, CĐ cần nắm bắt cơ hội để tham gia vào thị trường lao động này, phải thay đổi, cập nhật chương trình, đưa vào những kiến thức, công nghệ, kỹ năng mới để đón đầu".