TTO - Tình trạng người nước ngoài cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép vào TP.HCM được ghi nhận tăng mạnh thời gian qua, chủ yếu là người Trung Quốc và các nước châu Phi vào thành phố với nhiều mục đích khác nhau như du lịch, trốn dịch, kiếm việc làm…
Lực lượng chức năng bắt giữ 31 người nhập cảnh trái phép qua đường mòn - Ảnh: T.L.
Thông tin này được Công an TP.HCM đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020 được tổ chức chiều 7-1.
Theo thượng tá Nguyễn Thanh Tú, trưởng phòng an ninh đối ngoại Công an TP.HCM, tình trạng người nước ngoài tạm trú và lợi dụng du lịch vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố có dấu hiệu gia tăng.
Nếu như năm 2016, cơ quan chức năng chỉ xử lý vi phạm hành chính, buộc trục xuất 58 đối tượng với hành vi phổ biến là quá hạn thị thực du lịch thì đến năm 2019, cơ quan này đã bắt giữ, xử lý 315 người Đài Loan (Trung Quốc), 133 người châu Phi, 93 người Hàn Quốc và 140 người các quốc tịch khác.
Các hoạt động vi phạm phổ biến của những nhóm du khách trên là tổ chức cá cược ăn tiền trái phép, tổ chức sàn chứng khoán online, tổ chức cá cược thể thao, trò chơi qua mạng, gọi điện giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy...
"Đáng chú ý, thời gian gần đây phát hiện nhiều người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép từ biên giới phía Bắc đến TP.HCM", thượng tá Nguyễn Thanh Tú lưu ý.
Theo đại tá Phạm Ngọc Tiến, trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh, cá biệt năm 2020 mặc dù người nước ngoài nhập cảnh giảm trên 90% do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng số người nước ngoài vi phạm pháp luật tăng, chủ yếu là người Trung Quốc cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép vào thành phố với nhiều mục đích khác nhau như du lịch, trốn dịch, kiếm việc làm...
Phát biểu tại hội nghị, thiếu tướng Lê Hồng Nam, giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng sau 5 năm triển khai và thực hiện, quy chế phối hợp đã đảm bảo đúng mục đích, nguyên tắc và nội dung đề ra. Hai đơn vị đã định kỳ trao đổi thông tin về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm lợi dụng hoạt động du lịch để xâm phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Hợp tác này cũng đã hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, không để các loại tội phạm lợi dụng du lịch để thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Từ 2016 đến nay, Công an thành phố đã kiểm tra 262 lượt khách sạn, phát hiện 226 lượt cơ sở vi phạm với các hành vi phổ biến như không thông báo lưu trú, thiếu tinh thần trách nhiệm để các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, hoạt động mại dâm tại cơ sở lưu trú...
Quá trình kiểm tra, Công an thành phố đã lồng ghép, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh tại các cơ sở lưu trú về phương thức, thủ đoạn của số đối tượng lợi dụng địa bàn lưu trú để tiến hành các hoạt tội phạm mà đáng chú ý nhất là tình trạng người nước ngoài cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép như thời gian vừa qua.
Cơ quan này đã điều tra khám phá 484/940 vụ xâm hại tài sản người nước ngoài, bắt 297 đối tượng có liên quan, đang xác minh điều tra 61 vụ.
Doanh nghiệp lữ hành lừa đảo, đưa du khách nhập cảnh sai mục đích Tính đến tháng 9-2020, TP.HCM có 836 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 148 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 71 chi nhánh/văn phòng đại diện tỉnh khác, 76 đại lý lữ hành, 14 công ty liên doanh và 20 văn phòng đại diện du lịch nước ngoài. Thị trường vẫn xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lữ hành chưa được cấp phép đã công khai, kinh doanh quảng cáo, chào bán sản phẩm du lịch giá rẻ, kém chất lượng với hình thức trả tiền qua mạng không bảo đảm quyền lợi của du khách. Có tình trạng không ít doanh nghiệp lữ hành quốc tế không tổ chức hoạt động tham quan, du lịch cho người nước ngoài mà chỉ tập trung vào việc bảo lãnh cho du khách nhập cảnh. Qua kiểm tra thực tế, có rất nhiều trường hợp sử dụng thị thực du lịch sai mục đích, thậm chí lao động chui, tổ chức đánh bạc trực tuyến hoạt động lừa đảo... |