Thủ tướng cho rằng để tăng trưởng kinh tế năm 2021 hoàn thành chỉ tiêu thì “cỗ xe tam mã” là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư cần tăng quy mô. Trong đó, vai trò giữ nhịp cỗ xe này của ngành công thương là rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị /// Ảnh: Q.Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
ẢNH: Q.HIẾU
 
Thông điệp trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi phát biểu kết luận tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành công thương, tổ chức hôm qua 7.1.
 
"Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. “Cỗ xe tam mã” này phải tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bức tranh nhiều màu sáng

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết mặc dù 2020 là năm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như đại dịch Covid-19, thiên tai khắc nghiệt, song ngành công thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Điển hình là xuất khẩu 281,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất thế giới và xuất siêu kỷ lục 19,1 tỉ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỉ USD.
Hoạt động hội nhập quốc tế thì nổi bật với việc ký kết và triển khai thực thi các hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Cùng với đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai chính phủ điện tử được Bộ Công thương kiên trì thực hiện, thúc đẩy triển khai và đi vào chiều sâu.
 

Cắt giảm 70% điều kiện đầu tư kinh doanh

“Tới nay, với 2 đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương, đã có 880 trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm (chiếm 70% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương); toàn bộ 295 thủ tục hành chính cấp T.Ư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương đã được triển khai trực tuyến ở mức độ 2 trở lên”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết. 
 
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận xét việc công nghiệp tiêu dùng phát triển vượt bậc trong suốt 5 năm qua, thỏa mãn nhu cầu 100 triệu người dùng và xuất khẩu. Đặc biệt là đã chuyển từ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt sang người Việt thích dùng hàng Việt và tới đây sẽ là người Việt rất thích hàng Việt.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá công tác hội nhập, đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do “chưa giai đoạn nào ký nhiều và thực thi hiệu quả các hiệp định” như giai đoạn 5 năm lại đây.

Phải nâng giá trị hàng Việt, thương hiệu Việt

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính... đều được ngành công thương thực hiện tốt, đạt hiệu quả, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường; tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và tổ chức thực hiện tốt việc giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. “Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng và các kết quả năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế”, Thủ tướng nói.
Dù vậy, Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương tiếp tục tập trung xử lý, khắc phục một số vấn đề còn tồn tại. Cụ thể, đối với sản xuất công nghiệp thì ngành công nghiệp mũi nhọn quốc gia còn thiếu và yếu, nhất là ngành do chính DN nội làm chủ. Tăng trưởng một số ngành công nghiệp chưa ổn định, thiếu bền vững. “Ngày càng nhiều DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn còn ở mắt xích có giá trị thấp. Các liên kết ngành vẫn còn mới manh nha, manh mún, sức cạnh tranh chưa cao, đóng góp còn hạn chế. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống của một số địa phương đang bị suy yếu sức tăng trưởng trong khi nhiều địa phương vẫn chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự”, Thủ tướng đánh giá.
Xuất khẩu dù tăng mạnh nhưng nhập khẩu vẫn còn lớn, nhiều ngành công nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn cung cấp trong nước. Thành phần kinh tế trong nước vẫn còn nhập siêu lớn. Tính đa dạng hóa về thị trường và sản phẩm chưa cao. “Lợi thế cạnh tranh của hàng Việt chủ yếu vẫn dựa trên giá cả chứ chưa phải dựa trên giá trị. Chưa có nhiều thương hiệu quốc gia tầm cỡ. Nhiều quốc sản của Việt Nam vẫn chưa hiện diện trên bản đồ thế giới. Hàng Việt trong các siêu thị vẫn còn lép vế so với hàng có nguồn gốc nhập khẩu”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng đề nghị ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. “Phải coi DN là trung tâm đổi mới sáng tạo, trọng tâm của sự phát triển ngành công thương để tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và DN tốt hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói.
“Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. “Cỗ xe tam mã” này phải tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn. Ngành công thương phải tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020”, người đứng đầu Chính phủ chốt lại.