Nhiều đô thị lớn trên thế giới thông qua chủ trương cấm xe máy làm cơ sở thực hiện các bước chuẩn bị về thủ tục, quy hoạch, phát triển vận tải công cộng, kết nối giao thông thuận lợi...
Kỳ họp thứ 20 vừa qua, HĐND TP HCM khóa IX đã thông qua đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân với công việc cụ thể và lộ trình thực hiện.
Chủ trương đúng
Điển hình là thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm trong giai đoạn 2021-2025, phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030, tổ chức quy hoạch phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng tại các khu vực mới và các đầu mối giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030.
Thống kê cho thấy quá tải phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy, là áp lực rất lớn lên phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng, đặc biệt là không có làn đường riêng cho xe buýt. TP HCM có 8,94 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có hơn 825.000 ôtô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm, từ 2010 đến nay, đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông. Bình quân mỗi tháng có 30.000 phương tiện được đăng ký mới, tức mỗi ngày có thêm 1.000 phương tiện. Trong khi đó, mặt đường phát triển không thể theo kịp, nơi trung tâm càng khó mở rộng.
Chủ trương hạn chế xe cá nhân là đúng, cho thấy mục tiêu và sự quyết tâm của chính quyền. Vấn đề còn lại là chính quyền phải có giải pháp hoàn chỉnh, từ cơ sở pháp lý, huy động vốn, kêu gọi đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng đến sự đồng thuận của người dân.
Vào giờ cao điểm ở nhiều nơi tại TP HCM, xe máy và các phương tiện khác thường rơi vào thế ùn tắc Ảnh: Gia Minh
Nhiều đô thị lớn trên thế giới như Paris - Pháp, Tokyo - Nhật Bản, Thượng Hải và Quảng Châu - Trung Quốc hoặc gần nhất là Bangkok - Thái Lan đã thành công trong việc cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông, an toàn cho người dân, thu hút khách du lịch, giúp phát triển kinh tế, hướng đến nếp sống văn minh hiện đại. Những đô thị này đã thông qua chủ trương trước đó hàng chục năm làm cơ sở thực hiện các bước chuẩn bị về thủ tục, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển vận tải công cộng, kết nối giao thông thuận lợi, sắp xếp nơi ở và việc làm cho người dân…
Hay như TP Yangon - Myanmar cũng chằng chịt ngõ hẻm, chưa có metro, cơ sở hạ tầng lạc hậu hơn TP HCM, số lượng xe máy rất lớn, gắn với văn hóa kinh doanh ở mặt tiền nhà và buôn bán trên vỉa hè nhưng cũng đã thông qua chủ trương vào năm 2003, cấm xe máy thành công từ năm 2009. Sau đó, giảm hẳn tai nạn giao thông, đường phố trở nên thông thoáng, sạch sẽ. Tại Yangon, sau khi thông qua chủ trương cấm xe máy, chính quyền đã tuyên truyền ý thức giao thông, tăng cường xe buýt, kết nối giao thông, hạn chế dần rồi tiến tới cấm, cấm lần thứ nhất thất bại, cấm tiếp lần 2 mới thành công, cuối cùng thuyết phục được người dân.
Thường xuyên tuyên truyền, giải thích
Quá tải xe cá nhân là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Ở TP HCM, vào giờ cao điểm, xung quanh có rất nhiều ôtô và xe máy bủa vây xe buýt. Dù đã có nhiều giải pháp tạo tiện ích cho xe buýt được thực hiện như tăng cường xe buýt chất lượng cao, thay thế xe cũ bằng xe mới, trang bị máy điều hòa, phục vụ tốt hơn… Thế nhưng, trở ngại với xe buýt, phương tiện công cộng chủ lực, chính là chưa có làn đường riêng hoặc ưu tiên nên di chuyển chậm, không đúng giờ, khó thu hút hành khách để hạn chế xe cá nhân.
Dĩ nhiên, không thể trong một đêm hoặc một ngày cấm hơn 8,12 triệu xe máy. Để hạn chế xe máy, phải kiên trì tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu, đồng thời phải có giải pháp giảm tối đa sự phiền toái gây ra cho người dân.
Phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân không chỉ đòi hỏi sự hợp tác từ phía người dân mà còn từ các cơ quan, ban, ngành nhà nước. Nếu có một lượng lớn công chức đi làm bằng xe buýt, sẽ giảm hẳn lượng xe cá nhân lưu thông trên đường vào khung giờ cao điểm, tạo phần đường thông thoáng để ưu tiên phát triển phương tiện công cộng và có làn riêng cho xe buýt. Lúc đó, xe buýt mới có thể trở thành phương tiện công cộng chủ lực.
Nói tóm lại, ùn tắc giao thông đã tồn tại hàng chục năm, liên quan đến hàng triệu người, không thể dùng từng giải pháp riêng lẻ. Cần có cái nhìn toàn diện, áp dụng các giải pháp đồng bộ, dựa trên nguyên tắc hạn chế thấp nhất sự tác động đến đời sống người dân thì mới giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông đô thị.
TP Yangon - Myanmar đã làm và thành công, lẽ nào giải pháp này không thể áp dụng hoặc không làm được ở TP HCM?
Thí điểm ở khu vực trung tâm
Có thể thí điểm hạn chế xe cá nhân ở khu vực trung tâm TP HCM, nơi thường kẹt xe. Cụ thể, chọn một số tuyến đường có vỉa hè đủ rộng, phát triển xe buýt thuận lợi, tiện nghi, an toàn, sạch sẽ. Trên làn đường rộng, sử dụng loại xe lớn hoặc xe hai tầng chở từ 80 đến 100 người. Trên làn đường hẹp, sử dụng xe loại nhỏ. Xung quanh đầu tư bãi giữ xe cá nhân, bố trí xe đạp để lưu thông trong các ngõ hẻm.