Lực lượng chức năng đã tiến hành hàng chục cuộc tìm kiếm, hàng ngàn khối đất đá được xới tung và đây là đợt tìm kiếm cuối cùng trong kế hoạch.
Theo chân ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) huyện Phước Sơn, chúng tôi đến khu vực vừa tìm thấy hố chôn tập thể, đã được bảo vệ nghiêm ngặt trong khu đất gần 1ha. Ông Kiên chia sẻ, quá trình tìm kiếm bắt đầu từ năm 1998, khi có sơ đồ vẽ bằng tay của các bên liên quan. Lần đầu tiên, BCHQS và UBND huyện Phước Sơn huy động toàn lực lượng chiến sĩ, đoàn viên thanh niên tham gia khai quật về phía sân bay Khâm Đức trong 5 ngày nhưng không có kết quả. Tiếp theo có nhiều đợt khai quật, trong đó có 4 lần khai quật lớn huy động nhiều máy móc thiết bị, nhưng vẫn chưa xác định được vị trí.
“Tôi tham gia tìm kiếm từ năm 1998, mỗi đợt tìm kiếm đều đẫm mồ hôi, máu và nước mắt của các chiến sĩ BCHQS Phước Sơn và lực lượng chức năng. Nếu đợt này tìm không thấy thì tạm thời gác lại bởi chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể. Anh em đồng đội cũng như gia đình, người thân các anh gần như cạn kiệt sức lực. Có lẽ các anh linh thiêng đã chỉ cho chúng tôi tìm thấy. Không thể tả được cảm xúc khi tìm được những mẩu xương đầu tiên, chúng tôi xúc động vô cùng, nước mắt cứ tuôn trào. Tay tôi run lên khi cầm điện thoại để báo cáo”, ông Kiên xúc động.
Nhìn những mảnh xương và nhiều di vật như thắt lưng, dây trói… còn sót lại, bà Vũ Thị Điểm, con gái liệt sĩ Vũ Văn (một trong 17 chiến sĩ) đưa tay lau vội nước mắt: “Vậy là từ nay bố tôi và các bác, các chú đã có nơi yên nghỉ. 50 năm qua, gia đình tôi mong từng ngày từng phút để đưa hài cốt bố về nghĩa trang, giờ đã thành hiện thực, thật không thể nói thành lời”.
Người luôn có mặt trong những lần tìm kiếm đồng đội là cựu chiến binh Phạm Công Hưởng. Ông đang mang trọng bệnh phải điều trị tại Hà Nội, khi nghe tin đã tìm thấy đồng đội, ông xúc động: “Đợt này tôi chỉ đủ sức tham gia 10 ngày đầu và hôm nay như một giấc mơ. Hơn 10 năm qua, với sự phối hợp giúp đỡ của các cựu binh Mỹ, chúng tôi đã tìm thấy các anh. Đây là niềm vui và xúc động nhất trong cuộc đời tôi”.
Mãi mãi bên nhau
Công tác tìm kiếm hố chôn tập thể của 17 chiến sĩ đặc công được cơ quan quân sự huyện Phước Sơn tiếp tục triển khai giữa tháng 5-2020, với sự hỗ trợ tích cực từ các cựu binh Mỹ. Chiều ngày 1-6, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện một số mảnh xương ống và nhiều mẩu vật ở độ sâu 3-5m. Đến chiều 3-6 thì tìm thấy toàn bộ hài cốt của 17 liệt sĩ. Đại tá Nguyễn Xuân Gụ, nguyên cán bộ Tiểu đoàn Đặc công 404 (Quân khu 5) tâm sự: “Không lời lẽ nào diễn tả được hết tâm trạng bồi hồi và xúc động. Những ngày đầu tháng 6 này, tôi về đây như là một cuộc gặp lại sau 50 năm, dù các đồng đội của chúng tôi không còn nguyên vẹn hình hài”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, chia sẻ: “Việc tìm kiếm khu mộ tập thể của 17 chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 404 đã kết thúc tốt đẹp. Huyện Phước Sơn đã thông báo đến thân nhân gia đình các liệt sĩ và theo nguyện vọng của gia đình, các cựu chiến binh Tiểu đoàn 404 mong muốn, 17 liệt sĩ được an táng chung trong một ngôi mộ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện”.
Những năm tháng chiến tranh ác liệt, các anh chiến đấu chung một chiến hào, hy sinh cùng lúc và nay các anh lại mãi bên nhau. Tình đồng đội, đồng chí mãi keo sơn.
Thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) được giải phóng từ ngày 12-5-1968, nhưng do vị trí này vô cùng quan trọng nên đầu tháng 7-1970, binh sĩ chế độ cũ với sự chi viện của quân đội Mỹ đã tổ chức đánh chiếm lại cứ điểm sân bay Khâm Đức, nhằm cắt đứt đường 14, nối Tây Nguyên với vùng Hạ Lào và đường Hồ Chí Minh chi viện vào chiến trường miền Nam của quân ta. |