TP.HCM mới đây chỉ đạo giảm 50% phí sử dụng diện tích bán hàng trong 6 tháng nhằm hỗ trợ phần nào tiểu thương chợ truyền thống bị ế ẩm kéo dài gần cả năm qua vì dịch Covid-19.
Bàn cách “cứu” chợ truyền thống
 
Theo đó, tiền thuê sạp bán hàng của tiểu thương từ tháng 7 - 12.2020 sẽ được giảm 50%, tuy nhiên do phí thuê sạp quãng thời gian đó đã được ban quản lý các chợ truyền thống thu rồi, nên chính sách giảm sẽ được thực hiện bắt đầu từ tháng 2.2021. Hiện UBND TP.HCM đã giao 2 sở Công thương và Tài chính phối hợp hướng dẫn các quận huyện để triển khai việc giảm phí này.
Tiểu thương rơi rụng
 

Phí sử dụng sạp chỉ 200.000 đồng/tháng, nay giảm 50% cho 6 tháng, chúng tôi sẽ bớt được 600.000 đồng. Mức hỗ trợ này rất đáng trân trọng, nhưng cũng cần nói rất thật lòng là như “muối bỏ biển”

Bà Thu, bán hàng tại quầy áo quần ở tầng 1 chợ An Đông

 

Dự kiến tiểu thương tại 237 chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM sẽ được giảm “bù” phí thuê sạp trong 6 tháng tới. Bà Hoa, bán gia vị tại chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), nói: “Nhà nước hỗ trợ đồng nào vui đồng đó, tôi không có ý kiến. Nhưng điều chúng tôi quan tâm là người mua đến chợ có tăng không”. Bà Ngọc, bán đồ gia dụng tại chợ Hòa Hưng (Q.10), cho rằng phí thuê sạp thực ra rất thấp, chẳng đáng là bao nên giảm một nửa cho 6 tháng, tức giảm phí 3 tháng, cũng được mấy trăm ngàn đồng và “thực tế chẳng bõ bèn gì so với việc sụt giảm doanh số tại các chợ trong năm qua”.

Theo tiểu thương  kinh doanh tại chợ, năm 2020 doanh số bán hàng sụt giảm thê thảm, nhiều thời điểm giảm đến 60 - 80%. Hiện tại, ngay tháng giáp Tết Nguyên đán, mãi lực tại chợ cũng chỉ đạt 60% so với cùng thời điểm này năm ngoái. 11 giờ trưa 14.1, chúng tôi có mặt tại chợ Bến Thành (Q.1), ngôi chợ “nhà giàu”, sống nhờ khách du lịch là chủ yếu. Cảnh các dãy sạp đóng cửa im lìm, không bóng người đã trở nên khá quen thuộc gần cả năm qua sau khi dịch Covid-19
bùng phát và VN đóng cửa với du khách quốc tế để chống dịch. Chị T.M, kinh doanh tại quầy hàng áo quần, cho biết: “Cả tuần không bán mở hàng là bình thường”. Nhiều chủ sạp cho biết từng đăng ký ngưng kinh doanh 3 tháng, nay quay lại mở bán với hy vọng bán hàng tết, nhưng cũng không ăn thua. Chị Lợi, bán hàng tại quầy sạp chuyên đồ lưu niệm, chỉ sang dãy bán đồ ăn uống “cửa đóng then cài”, nói: “Không một bóng khách đi chợ, bán hàng lưu niệm này cho ai đây?”.
Chúng tôi ghé chợ An Đông (Q.5) chuyên bán sỉ vào xế trưa, không khí mua bán tấp nập và có “hơi thở” của chợ hàng hóa giáp tết hơn, cho dù lượng khách đến mua hàng chỉ bằng 1/2 cùng thời điểm này năm ngoái. Bà Thu, bán hàng tại quầy áo quần ở tầng 1 chợ An Đông, phân tích: “Phí sử dụng sạp chỉ 200.000 đồng/tháng, nay giảm 50% cho 6 tháng, chúng tôi sẽ bớt được 600.000 đồng. Mức hỗ trợ này rất đáng trân trọng, nhưng cũng cần nói rất thật lòng là như “muối bỏ biển”, không tạo động lực cho tiểu thương quyết định bám chợ để tồn tại, sống chết với chợ truyền thống hay nghỉ ở nhà, tìm việc khác làm ăn sinh sống”. Còn bà Trang, chuyên bán hàng thời trang, cho hay mọi năm, 2 tháng trước Tết Nguyên đán, xưởng may ở nhà ra mẫu đầm liên tục, nay chỉ may đồ tiện lợi hơn và công suất giảm 30% so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Bàn cách “cứu” chợ truyền thống

Tiểu thương các chợ truyền thống kiến nghị TP.HCM nên giảm thuế để “cứu” chợ

ẢNH: NG.NG

Kiến nghị giảm thuế

Đầu giờ chiều, lác đác người từ các tỉnh vào hỏi mua hàng về bán. Nguyên tầng 2 chợ An Đông, nơi tập trung chủ yếu bán đồ lưu niệm, vắng lặng như tờ. Hỏi thăm, được biết rất nhiều tiểu thương ngành hàng lưu niệm tại chợ phải đóng sạp, trả mặt bằng hoặc sang sạp. Ở góc chợ, quầy sạp chuyên bán hàng thủ công được làm từ da cá sấu như dây nịt, bóp, ví, túi xách, đồ trang trí... Vào mùa du lịch, hàng đoàn khách du lịch Nga, Trung Quốc... mua hàng với những hóa đơn hàng chục triệu đồng nay đóng cửa im ỉm. Liên lạc, chủ sạp cho biết đã đóng cửa hơn nửa năm qua và hiện bán hàng online nhưng chỉ “cho vui” vì khách mua mặt hàng da này phải là khách thân tín lâu năm.
 

“Nhìn chung toàn chợ, mãi lực giáp tết giảm 40%. Sau tết lại đìu hiu tiếp vì theo dự báo 6 tháng nữa VN mới có vắc xin tiêm đại trà, lúc đó có thể khách du lịch mới trở lại. Như vậy, số tiểu thương bán các mặt hàng nhờ vào du lịch, dịch vụ chắc chắn sẽ còn “rơi rụng” nữa”.

Bà Trang, tiểu thương chợ An Đông

 

Một quầy sạp chuyên bán quần jeans, thun nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc) nằm ngay ngã tư lối cầu thang đi lên tầng 1 của bà H. cũng được người bán hàng kế bên “nói nhỏ” rằng chủ đã sang sạp được 4 tỉ đồng. “Nếu không có dịch Covid-19 xảy ra, giá trị của sạp này phải 7 tỉ đồng còn chưa cho sờ tới”, người này nói và cho hay, do không thể sang tận Trung Quốc để mua hàng, toàn mua qua mạng, hình ảnh và sản phẩm thực tế một trời một vực, nên hàng đặt mua về, bán không được, trả không xong khiến nhiều tiểu thương bị thua lỗ nặng, phá sản, ăn thâm vốn, phải âm thầm rời chợ. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng cũng tăng gần gấp đôi. Chẳng hạn, trước đây phí chuyển hàng về là 32.000 đồng/kg, nay tăng lên 52.000 - 55.000 đồng/kg, hàng về là không bán nổi do... tệ quá. Mất cả chì lẫn chài.

Trao đổi với Thanh Niên, một số tiểu thương tại chợ An Đông thông tin thêm, Chi cục Thuế Q.5 cũng đã miễn thuế tháng 10 cho tiểu thương nhằm hỗ trợ phần nào chi phí tại chợ truyền thống An Đông. Còn tại An Đông Plaza thì tiểu thương vẫn đóng thuế đủ. Tương tự, tại chợ sỉ Tân Bình, một số tiểu thương cho rằng TP nên giảm thuế, chứ không chỉ giảm phí. Hiện tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông đóng thuế từ 3,4 - 6 triệu đồng/tháng. Sạp nào kinh doanh càng lâu năm, đóng thuế càng cao hơn do mỗi năm, thuế phải đóng tăng từ 10 - 15%. Thế nên giảm thuế đỡ gánh nặng hơn là chỉ giảm phí.
Nhiều tiểu thương kinh doanh tại các chợ Tân Bình, An Đông, Bến Thành đều kiến nghị UBND TP.HCM nên xây dựng chính sách giảm thuế cho tiểu thương trong mấy tháng tới thì sát thực tế và khuyến khích tinh thần “bám” chợ truyền thống, tiếp tục kinh doanh, đóng thuế cho TP đều hơn.