TTO - Sáng 16-1, Trường ĐH Mở TP.HCM đã ra mắt hệ thống đào tạo trực tuyến, cung cấp các khóa học hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng.
VMOOCs (Vietnam Massive Open Online Courses) - khóa học trực tuyến mở đại chúng tại Việt Nam - là hệ thống giáo dục chia sẻ đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các khóa đào tạo, cấp giấy chứng nhận đầu tiên tại Việt Nam.
Hệ thống góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân.
Hiện hệ thống có khoảng 100 khóa học thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, ngoại ngữ, kế toán, luật, xây dựng... Trường ĐH Mở TP.HCM kêu gọi sự hợp tác của các trường đại học, doanh nghiệp tiếp tục hợp tác để mở rộng các khóa học miễn phí.
Các khóa học kéo dài từ 4-6 tuần và hoàn toàn miễn phí. Người học đăng ký tài khoản, tham gia học theo lịch trình, không bỏ bất kỳ nội dung quan trọng nào sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.
Người học chỉ cần một máy tính có kết nối Internet, điện thoại thông minh, máy tính bảng... là có thể tham gia lớp học tại bất kỳ nơi đâu, bất cứ khi nào, giảm thiểu các chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian, không gian.
Khóa học trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết, vận dụng ngay kiến thức vào công việc qua các bài học tích hợp lý thuyết và bài tập thực hành.
Các bài học được thiết kế ngắn gọn với lý thuyết phong phú và dẫn chứng, minh họa thực tế, đảm bảo tính ứng dụng cao, đề cao tính tương tác và gần gũi với người học, giúp người học nhớ bài lâu và có thể nắm được từng đơn vị kiến thức của bài học.
Các khóa học được xây dựng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Quality Matters (Mỹ).
MOOC đã được nhiều nước xây dựng và phát triển, thu hút hàng chục triệu người theo học. Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã cung cấp hệ thống này rất hiệu quả.
Cần hành lang pháp lý công nhận kết quả Trao đổi tại buổi ra mắt, nhiều ý kiến băn khoăn liệu kết quả của người học VMOOCs có được công nhận để tính vào các chương trình đào tạo đại học, có được cấp văn bằng chứng chỉ hay không. Chia sẻ tại buổi ra mắt, bà Vũ Thị Tú Anh - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Bộ GD-ĐT - cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng hành lang pháp lý cần thiết để có thể sớm công nhận kết quả học tập suốt đời, từ hệ thống để cấp văn bằng, chứng chỉ. Trong khi đó, hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, ông Trương Tiến Tùng, cho rằng giáo dục chia sẻ điều quan trọng là công nhận kết quả của nhau, đừng để người học bị thiệt. Hiện nay việc công nhận kết quả, chương trình đào tạo của các trường Việt Nam rất hạn chế. |