Mỗi năm, hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam đã tiết kiệm ít nhất 10.000 tỉ đồng cho ngân sách
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết nhằm tạo thuận lợi cho người dân, giúp giảm thời gian và chi phí khi thực hiện dịch vụ công về BHXH, BHYT, ngành BHXH đã và đang tiếp tục cung cấp các dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC của ngành.
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Theo thống kê, hiện Cổng DVC BHXH Việt Nam đã và đang cung cấp 19/27 DVC trực tuyến mức độ 3, 4. Đến nay, ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết gần 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử với gần 6 triệu giao dịch, chưa kể 170 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) liên thông trên hệ thống giám định BHYT.
Cụ thể, tính đến hết năm 2020, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết gần 10.000 giao dịch trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Trong đó, tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất cho 2.614 trường hợp; 6.411 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công - thanh toán gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cho 4.389 trường hợp, đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 2.022 trường hợp, đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 144 trường hợp; tiếp nhận, xử lý 916 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19; hỗ trợ người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động (NSDLĐ) vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ.
Cán bộ BHXH hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VssID tại Bệnh viện tỉnh Kon Tum
Ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm CNTT - BHXH Việt Nam, cho biết thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các DVC trực tuyến. Dự kiến trong quý I/2021, sẽ hoàn thành việc cung cấp, liên thông 100% DVC của ngành được thực hiện ở mức độ 4. BHXH Việt Nam cũng đã chủ động tích hợp, cung cấp 15 DVC mức độ 4 của ngành, DVC liên thông với các bộ, ngành trên Cổng DVC quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và báo cáo tình hình sử dụng lao động...
Nhiều ý kiến cho rằng việc cung cấp các dịch vụ công trên Cổng DVC quốc gia của các bộ, ngành, địa phương nói chung và của BHXH Việt Nam nói riêng đã và đang đem lại nhiều tiện ích cho người dân và DN. Người dân, DN chỉ cần có một tài khoản trên Cổng DVC quốc gia là có thể thực hiện tất cả DVC của các bộ, ngành, địa phương; tra cứu thông tin, DVC các ngành, lĩnh vực, các địa phương tại Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Với DVC mức độ 4, người dân và DN gửi hồ sơ trực tuyến, nhận kết quả trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích, không cần phải đi lại để gửi, nhận hồ sơ nên giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người thực hiện cũng như cơ quan cung ứng dịch vụ...
VssID - nhiều tính năng, tiện ích
Việc đưa ứng dụng VssID - BHXH số trên nền tảng thiết bị di động của BHXH Việt Nam cũng đã mang lại sự tiện ích và bảo mật cho người dùng, tiến tới sử dụng thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT.
Theo Trung tâm CNTT - BHXH Việt Nam, từ khi triển khai ứng dụng "VssID - BHXH số" giữa tháng 12-2020, cả nước đã có trên 228.000 lượt đăng ký và tải ứng dụng này. Trong đó, 135.000 lượt tải thông qua kho ứng dụng Google Play (CH-Play) cho thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và 93.000 người tải thông qua kho ứng dụng AppStore cho thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS.
VssID đang cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như: theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tra cứu các thông tin: mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở KCB BHYT và các điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; dịch vụ hỗ trợ 24/7.
Theo ông Lê Nguyên Bồng, sử dụng ứng dụng VssID, người dùng còn có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của NSDLĐ, góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của các đơn vị, DN. Ứng dụng VssID hoạt động trên các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng nên rất tiện lợi cho người sử dụng.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thí điểm triển khai ứng dụng VssID cho người dân tại 10 tỉnh, TP: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum - các địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bão lũ thời gian qua. Lãnh đạo trung tâm y tế ở một số địa phương này cho biết VssID không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi KCB mà còn giúp cơ sở y tế đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động KCB.
"Trước đây, bệnh nhân đến KCB phải mang theo thẻ BHYT giấy thì nay chỉ cần thông qua chiếc điện thoại thông minh, cán bộ trung tâm sẽ hướng dẫn họ mở ứng dụng, quét mã QR code thì thông tin người bệnh sẽ hiển thị như thẻ BHYT"- một lãnh đạo Trung tâm Y tế ở tỉnh Quảng Trị dẫn chứng.
Nhận định về công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT của ngành BHXH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng BHXH Việt Nam là đơn vị thực hiện đổi mới bộ máy hệ thống cải cách hành chính, hiện đại hóa bộ máy hành chính, trực tiếp tinh giản bộ máy, phân công trách nhiệm rõ ràng và quan trọng là mạnh dạn tin học hóa thực sự. Nhờ ứng dụng CNTT nên hằng năm, BHXH Việt Nam đã tiết kiệm ít nhất 10.000 tỉ đồng cho ngân sách.
730.000 người nhận lương qua tài khoản
Theo BHXH Việt Nam, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng là khoảng 3,2 triệu. Trong đó, việc chi trả bằng tiền mặt áp dụng với gần 2,5 triệu người; chi trả qua tài khoản cá nhân cho hơn 730.000 người.
Ước tính, số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 28% trên tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH - tăng 4% so kết quả đạt được năm 2019. Số người hưởng các chế độ BHXH một lần qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 44% trên tổng số người hưởng các chế độ BHXH một lần - tăng 7% so kết quả đạt được năm 2019. Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản ATM tại các vùng đô thị bình quân trên toàn quốc đạt 69% trên tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp - tăng 16% so với kết quả đạt được năm 2019.